Những lễ nghi Cưới Hỏi chuẩn dành cho người Việt hiện đại

Những lễ nghi Cưới Hỏi chuẩn dành cho người Việt hiện đại
Dịch vụ trang trí cưới hỏi uy tín, chất lượng bởi Dianthus Wedding Decor tại Sài Gòn, Việt Nam.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, lễ nghi Cưới Hỏi truyền thống của người Việt Nam đã giản lược các thủ tục rườm rà, chỉ giữ lại một số lễ chính mà thôi. Với quan điểm của Dianthus, những lễ nghi Cưới Hỏi chuẩn dành cho người Việt hiện đại trong bài viết sau đây là những thủ tục Đám Cưới quan trọng cần được chúng ta học tập, giữ gìn và tiếp tục phát huy.

Từ xưa đến nay, người Việt luôn xem vấn đề Cưới Hỏi là sự kiện quan trọng và thiêng liêng trong cuộc đời. Dù bạn sinh ra vào thời hiện đại, được đi Tây đi Tàu, học hỏi nhiều nền văn hóa khác nhau, thì đến khi muốn lập gia đình, việc tìm hiểu và nắm rõ những nghi thức Cưới Hỏi, thực hiện sao cho đúng phong tục nước mình cũng là điều quan trọng. Trong bài “Nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt thời phong kiến” Dianthus giới thiệu gồm có 06 lễ thì phong tục Cưới Hỏi ở thời hiện đại đã được rút gọn lại, hiện chỉ còn 03 lễ chính:

Lễ Dạm Ngõ.

Trong thời nay, phần lớn bạn trẻ được tự do tìm hiểu và kết đôi mà không cần phải thông qua sự mai mối, sắp đặt của mẹ cha. Vì thế, trước Ngày Cưới từ 3 – 9 tháng chúng ta nên tổ chức Lễ Dạm Ngõ bởi đây là một thủ tục Đám Cưới quan trọng góp phần chính thức hóa quan hệ Hôn Nhân của hai bạn. Theo lẽ thường tình, khi đang trong mối quan hệ yêu đương, hiếm cặp đôi nào tạo điều kiện cho gia đình hai bên được gặp gỡ một cách đông đủ, nên thông qua Lễ Dạm Ngõ là dịp để Nhà Trai đến Nhà Gái một cách đường hoàng chính thức, cùng một số lễ vật Dạm Ngõ để từ đó đặt vấn đề cho hai bạn tìm hiểu nhau trước khi quyết định đi đến Hôn Nhân.

Tùy vào điều kiện và gia thế của hai bên mà buổi Lễ Dạm Ngõ được tổ chức theo lối đơn giản hay long trọng, thời gian cận kề Ngày Cưới hay cách xa. Tuy nhiên theo quan niệm của nhiều gia đình, Lễ Dạm Ngõ chỉ là một buổi gặp mặt nội bộ giữa hai nhà, giúp mỗi bên tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, nề nếp gia phong của nhau nên Lễ Dạm Ngõ không nhất thiết phải rườm rà, câu nệ và nếu hai bên gia đình không quá hối thúc thì tổ chức Lễ Dạm Ngõ trước Ngày Cưới từ 6 – 9 tháng trở đi sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị hơn.

Lễ Đính Hôn (Lễ Ăn Hỏi).

Qua buổi Lễ Dạm Ngõ, phụ huynh của hai bên gia đình có thể bàn bạc cùng nhau về việc tổ chức Hôn Lễ cho đôi trẻ trong thời gian sắp tới và buổi lễ tiếp theo chính là Lễ Đính Hôn, hay ở miền Bắc gọi là Lễ Ăn Hỏi. Để chuẩn bị cho Lễ Đính Hôn, gia đình cần phải chọn ngày lành tháng tốt, Nhà Trai sẽ sắm sửa lễ vật đầy đủ đặt trong tráp hoặc mâm (còn gọi là Mâm Quả Đám Hỏi) mang sang Nhà Gái, trước đó cũng cần hội ý với Nhà Gái về những sính lễ cần thiết. Việc trao mâm quả sính lễ thể hiện lòng biết ơn của Nhà Trai đối với Nhà Gái về công sinh thành, dưỡng dục nên cô gái mà họ muốn xin cưới về làm dâu.

Thông thường Lễ Đính Hôn được tổ chức trong khoảng từ 3-6 tháng trước Ngày Cưới, hoặc 1-2 tháng nếu hai bên gia đình không muốn chờ đợi lâu. Có thể xem buổi Lễ Đính Hôn là sự thông báo chính thức về việc kết giao tình thông gia giữa hai bên gia đình, bằng việc tổ chức tương đối trang trọng, linh đình với sự tham dự của nhiều người cùng trang trí đẹp mắt. Hoàn thành việc tổ chức Lễ Đính Hôn chính là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng trong Hôn Nhân: cô con gái nhà ấy đã chính thức trở thành vợ chưa cưới của chàng trai đi hỏi, tất cả bà con lối xóm xung quanh đều biết rằng cô gái đã được kết giao Hôn sự và những chàng trai khác hãy thôi ý định dòm ngó.

Lễ Cưới.

Lễ Cưới (tức Lễ Rước Dâu) là từ dùng gọi chung cho một chuỗi các sự kiện nhỏ diễn ra vào ngày Tổ Chức Đám Cưới và tất nhiên trước đó hai gia đình cũng phải đi xem thầy để chọn ra một ngày tốt. Về địa điểm, nếu như Lễ Dạm NgõLễ Đính Hôn chỉ diễn ra tại Nhà Gái, thì Lễ Cưới lại được tổ chức cả ở hai nhà với tên gọi khác nhau: tại Nhà Trai được gọi là Lễ Tân Hôn, còn bên Nhà Gái là Lễ Vu Quy (Muốn hiểu rõ hơn bạn có thể đọc thêm bài Nên hiểu Tân Hôn, Vu Quy, Thành Hôn thế nào cho đúng?).

Trong quá trình này, hai bên gia đình sẽ thực hiện các nghi thức: trao mâm quả, lễ trình quả, lễ ra mắt Cô Dâu, lễ gia tiên Nhà Gái, lễ trả quả, Lễ Rước Dâu, lễ gia tiên Nhà Trai,… Dù rằng đây là một chuỗi các sự kiện liên tiếp nhau, thoạt nghe tưởng chừng hơi rắc rối nhưng không cần quá lo lắng bởi trong Lễ Cưới luôn có sự góp mặt của các vị Chủ Hôn của Nhà Trai và Nhà Gái, hai bạn cứ nghe theo sự sắp xếp của các vị này là được.

Là người Việt Nam, dù bạn đang sống ở đâu, trong nước hay định cư ở nước ngoài, nếu có điều kiện đừng bỏ qua những lễ nghi Cưới Hỏi chuẩn dành cho người Việt hiện đại mà Dianthus đã trình bày ở trên, nếu thực hiện đầy đủ các thủ tục Đám Cưới là bạn đã góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc rồi đó. Xem thêm: Nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt thời phong kiến.

Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài TrờiTrang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

error: Content is protected !!
Contact Me on Zalo