Song Hỷ nghĩa là gì? Ứng dụng của chữ Song Hỷ trong Cưới Hỏi?

Song Hỷ nghĩa là gì? Ứng dụng của chữ Song Hỷ trong Cưới Hỏi?
Dịch vụ trang trí cưới hỏi uy tín, chất lượng bởi Dianthus Wedding Decor tại Sài Gòn, Việt Nam.

Trong các buổi Lễ Đính Hôn, Lễ Cưới của người Việt Nam, hầu như gia đình nào cũng dùng chữ Song Hỷ để trang trí. Chữ Song Hỷ thường xuất hiện với màu sắc đỏ tươi rực rỡ từ thiệp cưới, phông màn Gia Tiên, cho đến xe hoa, buồng cau, lá trầu,… Hãy cùng Dianthus tìm hiểu xem Song Hỷ nghĩa là gì và ứng dụng của chữ Song Hỷ trong Cưới Hỏi?

Tìm hiểu Song Hỷ lâm môn là gì?

Giải thích về mặt ngữ nghĩa.

Song Hỷ là gì? Song Hỷ là một chữ trang trí truyền thống của người Trung Hoa, là biểu tượng hạnh phúc của Hôn Nhân và gia đình, tuy nhiên được sử dụng tại Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á và các nước khác trên thế giới (chữ Song Hỷ tiếng Anh gọi là Double Happiness). Ý nghĩa của chữ “Hỷ” trong tiếng Hán là vui mừng; Còn “Song” tức là hai cái, hay một đôi; Cuối cùng “lâm môn” có nghĩa là cửa vào nhà, ngụ ý là trong gia đình.

Song Hỷ lâm môn nghĩa là gì?

Khi nói Song Hỷ lâm môn tức là gia đình có hai điều vui mừng cùng đến một lượt. Dân gian còn có các câu thành ngữ quen thuộc như là “Ngũ phúc lâm môn” – Năm loại phúc vào nhà; “Đại Hỷ sự lâm môn” – Gia đình có điều vui mừng lớn… Ngoài ra, Song Hỷ (囍) nếu áp dụng trong Cưới Hỏi nghĩa là (1) Nhà Trai cưới được vợ cho con trai; (2) Nhà Gái gả được chồng cho con gái.

Nguồn gốc của Song Hỷ Lâm Môn từ đâu?

Nguồn gốc của chữ Song Hỷ gắn liền với một giai thoại đẹp, thú vị mang nhiều yếu tố may mắn trong tình duyên và thi cử của danh sĩ nổi tiếng đời nhà Tống là Vương An Thạch – một nhân vật trong “Đường Tống bát đại gia”. Chuyện kể rằng, vào năm 20 tuổi Vương An Thạch lên kinh đô để dự thi, dọc đường ngang qua một vùng trù phú, đang diễn ra sự kiện nhà Mã Viên ngoại tổ chức kén chồng cho con gái. Gia đình Mã Viên ngoại có học nên muốn kén rể là người uyên bác giỏi giang chứ không muốn chọn người giàu có nhưng ít học. Khi Vương An Thạch đi qua cũng là lúc gia đình đang mở tiệc mừng thọ cho Mã Viên ngoại. Ở trong nhà treo đèn kết hoa rực rỡ, khách khứa ra vào như chảy hội, còn bên ngoài cổng lại treo một lồng đèn lớn, trên có dán vế đối làm cho kẻ qua người lại xúm nhau xem xét, bàn tán. Vương An Thạch cũng ghé vào nhìn, vế câu đối ghi:

Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” 

Nghĩa là: Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt ngựa dừng chân.

Vương An Thạch sau khi xem xong buột miệng nói: “Câu này dễ đối thôi!” xong liền rời đi. Gia nhân thoáng nghe được, vội vào trình báo thì chàng trai Vương An Thạch đã lên đường đến kinh đô. Ở nơi trường thi, Vương An Thạch hoàn thành và nộp bài trước tiên, vị quan chủ khảo lật ra xem, tấm tắc khen tài rồi bảo chàng thi vấn đáp. Nhìn thấy lá cờ vẽ hình con cọp đang bay phất phơ trước gió, quan chủ khảo nghĩ ra một vế đối:

Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân” 

Nghĩa là: Cờ bay theo hổ, hổ bay theo cờ, cờ cuộn hổ ẩn mình.

Vương An Thạch chợt nhớ đến vế đối trước nhà Mã Viên ngoại, đem đối vào đây thì rất hay liền ứng khẩu đọc cho quan giám khảo nghe: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ”. Câu đối của Vương An Thạch làm cho quan chủ khảo bất ngờ, rất chỉnh mà nghĩa lại hay, nên quyết định chấm cho chàng đỗ đầu trong kỳ thi ấy, chờ chính thức đăng tên bảng vàng mà thôi.

Trên đường trở về quê đi ngang qua Mã gia trang, gia nhân liền nhận ra Vương An Thạch vì ấn tượng với việc chàng cho rằng câu đối dễ, nên mời vào nhà. Khi được Mã Viên ngoại yêu cầu đọc vế đối, chàng liền ứng đối bằng vế của quan chủ khảo: “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân”. Mã Viên ngoại nghe vế đối rất khéo, vô cùng mừng rỡ nói rằng: “Vế đối trên là của con gái ta, nó thách đối như thế để kén chồng, nếu ai đối được nó mới ưng. Để ta gọi con gái ra cho hai bên giáp mặt”.

Sau đó, Đám Cưới được tổ chức linh đình tại Mã gia trang, vừa đúng lúc triều đình đăng bảng vàng công bố chàng đậu Trạng Nguyên. Nhờ may mắn mà đạt được cùng lúc hai điều vui mừng: Một là cưới được vợ tài giỏi và giàu có, hai là đỗ làm quan, Vương An Thạch liền lấy giấy viết lớn hai chữ Hỷ (囍) để gửi về cho gia đình nhằm thông báo về tin vui và ngâm:

Vận may đối đáp thành Song Hỷ, 

Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng.

Ý nghĩa của chữ Song Hỷ trong Cưới Hỏi?

Cầu mong hạnh phúc đến cho cặp đôi.

Có khởi nguồn từ câu chuyện của Vương An Thạch, chữ “Song Hỷ” trải qua hàng ngàn năm đã trở thành một phần không thể thiếu trong Hôn Lễ, nhằm thể hiện niềm vui của gia đình, nói thay lời cầu mong hạnh phúc đến với cặp đôi, luôn vui vẻ và đầm ấm. Vì thế, chữ “Song Hỷ” xuất hiện trong hầu hết Lễ Cưới, Lễ Đám Hỏi của người Việt kể từ thiệp cưới, backdrop cho đến hộp bánh, quả cau, lá trầu…

Ngầm thông báo trong gia đình có Hỷ sự.

Mặc dù thời nay, không còn nhiều người Việt biết chữ Hán nhưng với sức ảnh hưởng sâu rộng của nền văn hóa Trung Hoa, thì khi chúng ta nhìn thấy biểu tượng chữ Song Hỷ dán ở trên tường hay cánh cửa nhà ai đó có thể ngầm hiểu gần đây gia đình có Hỷ sự tức là chuyện vui mừng. Vì thế, chữ Song Hỷ được áp dụng để trang trí từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ cổng khách sạn vào đến sảnh Tiệc Cưới như một cách thông báo với bà con chòm xóm về sự kiện Đám Cưới đang diễn ra và đâu là nơi gia đình tổ chức buổi tiệc chiêu đãi.

Những cách thể hiện chữ Hỷ trong Cưới Hỏi?

Nên dùng chữ “Song Hỷ” hay chữ “Hỷ”?

Ngoài chữ Song Hỷ (囍) mà chúng ta thường thấy thì người ta còn dùng chữ Hỷ (喜) để Trang Trí Cưới Hỏi và nhà cửa. Ý nghĩa gửi gắm của cả hai chữ là giống nhau, đều nhằm thể hiện niềm vui, cầu mong sự hạnh phúc đến với gia đình và cặp đôi. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào không gian, bối cảnh xung quanh mà mỗi gia đình sẽ sử dụng 喜 hay là 囍. Nếu diện tích trang trí nhỏ nhưng muốn nội dung chữ lớn, dễ nhìn thì nên dùng 喜 thay vì 囍, do chữ Song Hỷ có nhiều nét hơn cần có không gian để thể hiện. Hoặc phụ huynh nào kỹ tính, sẽ yêu cầu trang trí đầy đủ “hai niềm vui” (囍) nếu chỉ có “một niềm vui” (喜) là không được chấp nhận.

Sử dụng chữ Song Hỷ ở những đâu?

Ứng dụng của chữ Song Hỷ trong cuộc sống rất đa dạng, mà chúng ta có thể thấy ở các đồ dùng, đồ trang trí trong gia đình như ô cửa, bức bình phong, quyển lịch, tranh treo tường, đồ gốm sứ, đồ mộc… Đối với lĩnh vực Cưới Hỏi, người ta áp dụng trang trí chữ Hỷ (喜) và Song Hỷ (囍) dán tường, in trên thiệp cưới, bảng chào, cổng nhà, cửa ra vào, Bàn Thờ Gia Tiên, xe hoa, trên vỏ hộp/bao bì bánh kẹo, backdrop chụp ảnh, backdrop sân khấu, chữ dán trên trái cây, Mâm Quả Cưới Hỏi

Hướng dẫn cách chuẩn bị Mâm Quả Cưới Hỏi dựa theo văn hóa từng vùng miền và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.

Hình dạng chữ Song Hỷ ra sao?

Có đến hàng trăm cách thiết kế chữ Song Hỷ khác nhau, tùy thuộc vào gu thẩm mỹ và yêu cầu của mỗi gia đình. Các mẫu chữ Song Hỷ phổ biến có thể liệt kê bao gồm: chữ Song Hỷ viết thường, chữ Song Hỷ tròn, chữ Song Hỷ vuông, chữ Song Hỷ lồng hình trái tim, chữ Song Hỷ kết hợp với Long – Phụng, chữ Song Hỷ hình đôi chim Phượng, chữ Song Hỷ hình em bé, chữ Song Hỷ hình đuôi cá…

Có nên dùng chữ Hỷ Tiếng Việt hay không?

Trong thực tế, bộ chữ Hỷ Tiếng Hoa đã lưu truyền qua nhiều thế hệ và được đa số gia đình người Việt sử dụng một cách “mặc định”. Nhưng dẫu sao việc dán hay treo chữ Hỷ trong Ngày Cưới cũng chỉ là một hình thức trang trí, nhằm giúp không gian thêm đẹp và trang trọng hơn. Do đó, nếu bạn dự định nhờ người thiết kế bộ chữ Hỷ bằng Tiếng Việt để phù hợp với thời hiện đại là điều đáng hoan nghênh và nên làm. Bạn có thể dùng font chữ Thư Pháp để thiết kế chữ Hỷ hoặc chữ Song Hỷ cho nghệ thuật, hành động này tuy nhỏ nhưng góp phần giúp phát huy nét đẹp văn hóa của người Việt, hiện nay đã được nhiều cặp đôi hào hứng áp dụng.

Cách dán chữ Song Hỷ như thế nào cho đúng?

Kinh nghiệm dán chữ Song Hỷ được thế hệ Ông Bà đúc kết lại như sau: 

  • Chữ Song Hỷ có viền Long – Phụng (Phượng) dùng để dán lên trên các mặt kính; 
  • Chữ Song Hỷ có viền 02 con Phượng đang bay dùng thì dán lên trang sức nữ; 
  • Chữ Song Hỷ có hình trái tim sẽ dùng cho các loại đèn như đèn cầy, đèn điện; 
  • Chữ Song Hỷ có viền hỷ thước để dán lên tivi, đài… 
  • Chữ Song Hỷ có hình đuôi cá để dán lò vi sóng, tủ lạnh; 
  • Treo chữ Song Hỷ trong phòng ngủ thì chọn loại có hình em bé và nên đặt ở đầu giường.

Cần lưu ý gì khi dán chữ Song Hỷ?

Trường hợp gia đình không rành có thể chữ Song Hỷ bị dán ngược mà không hay, do thời nay ít người hiểu được ý nghĩa và cách viết chữ Song Hỷ nên chuyện dán ngược thường xảy ra, bao gồm cả những người làm nghề trang trí nhưng còn non kinh nghiệm. Cách treo chữ Song Hỷ tưởng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng, nhất là treo ở khu vực Bàn Thờ Gia Tiên. Bởi treo không đúng thì vừa không có ý nghĩa gì mà gặp khách mời hiểu biết họ còn cười thầm trong bụng, chưa kể bộ chữ Song Hỷ treo ngược “xấu xí” còn xuất hiện hàng loạt trong hình ảnh, đoạn phim mà gia đình dùng làm kỷ niệm. Mẹo giúp chữ Song Hỷ dán đúng là phải để phần chữ có bộ thổ (士), tức phần đầu nhọn ở bên trên.

Chữ Hỷ Cưới Hỏi có những chất liệu nào?

Chữ Hỷ với mốp xốp và kim tuyến.

Song Hỷ nghĩa là gì? Ứng dụng của chữ Song Hỷ trong Cưới Hỏi?

Chữ Hỷ làm từ mốp xốp và kim tuyến có kích thước tương đối lớn khoảng từ 50 – 60 cm. Với chất liệu là mốp xốp nên chữ Hỷ nhẹ, dễ dàng bám dính ở trên tường hoặc treo chính giữa Bàn Thờ Gia Tiên – nơi sẽ cử hành các nghi thức Cưới Hỏi thiêng liêng. Theo kinh nghiệm của Dianthus, cách dán chữ Hỷ trên tường dễ dàng mà lúc gỡ ra không bị bong tróc là dùng hồ hoặc kem đánh răng để kết dính.

Chữ Hỷ bằng formex cắt CNC.

Ngoài loại chữ Hỷ bằng mốp xốp và kim tuyến, để trang trí Bàn Thờ Gia Tiên người ta còn dùng chữ Hỷ làm từ chất liệu formex cắt CNC. Vài năm gần đây, nhựa formex là loại vật liệu được ưa chuộng bởi không chỉ đẹp mà còn cứng cáp, rất nhẹ và dễ dàng thể hiện các đường cắt tinh xảo bằng máy cắt khắc CNC.

Chữ Hỷ làm từ decal dán.

Chữ Hỷ bằng decal dán là loại vật liệu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, với nhiều kích cỡ khác nhau thuận tiện để dán vào đồ dùng, vật dụng như: Chữ Hỷ dán cửa ra vào, chữ Hỷ dán xe hoa cho đến chữ Hỷ dán mâm quả, sính lễ, trái cây…

Dianthus hi vọng rằng qua nội dung được trình bày trong bài viết “Song Hỷ nghĩa là gì? Các ứng dụng của chữ Song Hỷ trong Cưới Hỏi” đã mang đến cho bạn nguồn thông tin đầy đủ về ý nghĩa, cách sử dụng, cũng như làm sao có được bộ chữ Song Hỷ để sử dụng trong Ngày Cưới sắp tới.

Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài TrờiTrang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

error: Content is protected !!
Contact Me on Zalo