Cách xem ngày lành tháng tốt để tổ chức Cưới Hỏi

Cách xem ngày lành tháng tốt để tổ chức Cưới Hỏi
Dịch vụ trang trí cưới hỏi uy tín, chất lượng bởi Dianthus Wedding Decor tại Sài Gòn, Việt Nam.

Theo quan niệm của Ông Bà Cha Mẹ chúng ta, xem ngày tốt để tiến hành dựng vợ gả chồng là một công việc quan trọng. Người xưa tin rằng, nếu chọn đúng ngày tốt sẽ nhận được nguồn năng lượng tốt từ đất trời, hưởng sinh khí tốt, từ đó giúp thúc đẩy hạnh phúc lứa đôi thêm bền chặt, cuộc sống trở nên viên mãn dài lâu. Sau đây, Dianthus sẽ gợi ý cho bạn cách xem ngày lành tháng tốt để tổ chức Cưới Hỏi được nhiều chuyên gia phong thủy chia sẻ.

Tìm hiểu quan niệm về ngày lành tháng tốt?

Ngày lành tháng tốt là gì?

Trong tín ngưỡng dân gian, “ngày lành tháng tốt” là ngày, tháng được coi là tốt lành để tiến hành công việc quan trọng nào đó, chẳng hạn: xuất hành, khai trương, động thổ, xây nhà, cưới vợ… Còn nói theo ngôn ngữ của tử vi, chiêm tinh là: Giờ tốt = “giờ hoàng đạo” và Ngày tốt = “ngày hoàng đạo”, Tháng tốt = “tháng đại lợi” hoặc “tháng tiểu lợi”, Năm tốt = “cát niên”.

Nguồn gốc tục xem ngày lành tháng tốt?

Nguồn gốc của tập tục xem ngày lành tháng tốt của người Việt bắt nguồn từ thời Trung Quốc cổ đại qua hơn 1000 năm dưới ách đô hộ và đồng hóa. Khoảng thời gian trên là quá dài, đủ khiến cho không chỉ trong đời sống văn hóa mà vấn đề tâm linh, tín ngưỡng người Việt cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Quốc, giờ đây đã trở thành thói quen ăn sâu vào tâm tưởng, phần lớn người dân đều muốn chọn được ngày tốt để tiến hành công việc quan trọng.

Khi nào cần xem ngày lành tháng tốt?

Thói quen xem ngày lành tháng tốt được ứng dụng ở trong nhiều lĩnh vực mà con người tham gia. Người làm kinh doanh xem ngày ký hợp đồng, khai trương cửa hàng, chuyển văn phòng; Người dân bình thường, người làm công ăn lương xem ngày giờ xuất hành, nhận chức vụ mới, xây sửa nhà, mua xe; Người sắp lấy vợ xem ngày tổ chức Lễ Dạm Ngõ, Lễ Đính Hôn, Lễ Cưới,… Hầu như tất cả khía cạnh của đời sống đều có thể xem ngày tốt nếu người ta đặt niềm tin vào điều đó, nếu là việc nhỏ chỉ cần xem ngày, việc vừa vừa xem tháng, việc lớn hệ trọng thì xem năm.

Vì sao cần xem ngày lành tháng tốt?

Theo quan niệm của dân gian, trước khi làm bất kỳ việc hệ trọng nào đều nên xem ngày lành tháng tốt, chứ không riêng gì tổ chức Cưới Hỏi. Trong nhiều trường hợp, người ta không chỉ xem để chọn được ngày đẹp, mà còn nhằm tránh những ngày xấu. Người ta tin rằng, ngày xấu sẽ có nguồn năng lượng xấu, những ám khí của trời đất sẽ khiến cho mọi việc không thuận lợi. Còn trong Hôn Nhân, cặp đôi có thể gặp nhiều trắc trở, cuộc sống gia đình lục đục, không được hạnh phúc về sau.

Xem ngày là mê tín hay khoa học?

Đối với những người có quan điểm bài trừ, thường kết luận việc xem ngày là mê tín dị đoan, nhưng đây là một kết luận vội vàng. Ngay từ thời cổ đại người ta đã quan sát, ghi chép lại sự chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao qua đó so sánh với các sự vật, sự việc diễn ra trong đời sống để đúc kết lại. Đây chính là một hình thức thống kê theo khoa học để dự đoán điều có thể xảy trong tương lai, tất nhiên có tỷ lệ xác suất chứ không chính xác hoàn toàn, cho nên có thể xem đây là một môn khoa học thần bí. Như vậy để chúng ta biết mỗi tôn giáo hay chiêm tinh, tử vi đều có những hệ thống riêng dựa trên những chuẩn mực cụ thể, người nào tin thì cũng cần hiểu cho rõ ràng và mạch lạc.

Nguyên tắc xem ngày lành tháng tốt?

Cách xem ngày lành tháng tốt ra sao?

Nguyên tắc tính ngày lành tháng tốt tuân thủ theo trình tự sau: Năm tốt -> Tháng tốt -> Ngày tốt -> Giờ tốt. Giải thích: Năm tốt gọi là Cát niên hoặc Kiết; Tháng tốt là các tháng đại lợi, hoặc tiểu lợi; Ngày giờ tốt là ngày hoàng đạo, giờ hoàng đạo. Cụ thể: Đầu tiên cần phải xem tuổi có hợp để tổ chức cưới vào năm đó hay không. Sau khi chọn được năm mới tiến hành chọn tháng, ưu tiên tổ chức cưới vào tháng đại lợi, nếu tháng đó bận thì dời sang tháng tiểu lợi, hoặc trường hợp tháng đại lợi và tiểu lợi rơi vào tháng 7 âm lịch thì cũng không nên cưới bởi đây là tháng cô hồn. Chỉ khi nào chọn được tháng, mới thực hiện bước tiếp theo là chọn ngày và chọn giờ. Trong đời sống, cách xem Ngày Cưới chỉ phù hợp ứng dụng với những gia đình theo đạo Phật, đạo thờ ông bà,… không thích hợp cho người Công Giáo, tuy nhiên cũng đừng hiểu lầm đây là quan điểm của Phật giáo.

Xem ngày lành tháng tốt bằng phương pháp nào?

Có đến hơn 10 phương pháp xem ngày để đoán định sự việc tốt xấu, mỗi một phương pháp cho ra một kết quả khác nhau, chẳng hạn theo kinh dịch, phong thủy, ngũ hành, sinh khắc Can – Chi, hoàng đạo – hắc đạo, nhị thập bát tú, cát thần – hung thần,… Ngày đẹp theo phương pháp này lại là xấu với phương pháp kia, nếu vận dụng hết tất các các phương pháp thì e rằng trong một năm cũng chỉ có vài ngày đẹp mà thôi.

Vậy phương pháp xem ngày nào là đúng nhất? Câu trả lời là phương pháp nào cũng đúng, nhưng mỗi phương pháp lại ứng dụng riêng cho một lĩnh vực của đời sống khác nhau: Xây dựng nhà cửa, động thổ nên dùng thuật phong thủy, còn việc liên quan đến đời sống, cá nhân nên áp dụng Thiên Can – Địa Chi và các yếu tố Ngũ Hành để tính toán. Trong đó thứ tự xem ngày đẹp phải tuân thủ theo Tam Tài tức Thiên – Địa – Nhân, trước tiên xem ngày đẹp với Trời, tiếp đến là ngày đẹp với Đất, rồi mới đối chiếu với Người.

Cưới Hỏi nên xem tuổi nam hay nữ?

Người Việt từ thời xưa đã đưa ra quan điểm: “Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”, chi tiết này cũng được nhắc đến trong bài Nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt thời phong kiến, có 06 nghi lễ thì ở lễ thứ hai là Lễ Vấn Danh, Nhà Trai sẽ xin canh thiếp trên đó ghi đầy đủ thông tin về ngày tháng năm sinh của cô gái để đi xem thầy.

Nghĩa là trong vấn đề Cưới Hỏi, người ta thường căn cứ vào người nữ để xem tuổi có hợp kết hôn vào năm đó hay không, trường hợp nếu phạm vào Kim Lâu được xem là không tốt để tổ chức Cưới Hỏi. Tuy nhiên, quan niệm trên cũng còn thoải mái vì như vậy chỉ cần xem bên phía nữ, nếu gặp phải gia đình kỹ tính đòi xem luôn cả tuổi của người nam, để cho cả nam và nữ đều hợp tuổi cưới chắc còn khó hơn nhiều, đôi khi phải chờ vài năm, hoặc rất gấp nếu thầy phán “phải cưới liền”. Cần lưu ý rằng đây mới chỉ nói đến việc: tuổi người nam có hợp để kết hôn năm nay hay không + tuổi người nữ có hợp để kết hôn năm nay hay không, chưa xét đến tuổi người nam và người nữ có hợp nhau hay không, đó lại là một vấn đề khác.

Theo quan niệm dân gian, hạn Kim Lâu là từ ngữ chỉ những điều không may mắn có thể xảy ra nếu chúng ta rơi vào năm Kim Lâu.

Ngày nay, người ta đã không còn tin tuyệt đối việc xem tuổi xem ngày như trước, thêm việc nam nữ yêu thương nhau thì bất chấp, dù theo ông bà là không hợp tuổi thì họ vẫn nhất quyết lấy nhau, Cha Mẹ không thể nào cản được. Cho nên, thời nay phần lớn chúng ta chỉ còn xem năm nào hợp tuổi để kết hôn mà thôi.

Tìm hiểu về ngày tốt, ngày xấu khi Cưới Hỏi.

Những ngày tốt nên tổ chức Cưới Hỏi.

Trước khi chọn ngày cần xem năm đó bạn có đẹp tuổi để tổ chức Cưới Hỏi hay không, bước tiếp theo mới chọn tháng tốt, ngày tốt và giờ tốt. Những ngày nào tốt cho Cưới Hỏi? Khi đã xác định được năm, kế đến tìm xem đâu là tháng đại lợi, tháng tiểu lợi rồi mới chọn ngày tốt sau. Ngày được xem là tốt đẹp còn gọi là “Ngày Âm Dương Bất Tương” hay Ngày Bất Tương, theo quan niệm đây là ngày đại kiết để dựng vợ gả chồng, tiếp đến lại xem Ngày Bất Tương có rơi vào ngày hoàng đạo hay không, nếu có thì rất tốt. Nhiều phương pháp xem ngày hiện nay chỉ tập trung vào ngày hoàng đạo, như vậy mới chỉ nhìn thấy cái ngọn cây mà không hiểu được gốc rễ.

Những ngày xấu không nên tổ chức Cưới Hỏi.

Tuy nhiên, nhiều đôi gặp phải tình huống không có sự chuẩn bị, không thể nào ngừng cưới, chẳng hạn có bầu trước khi cưới, không thể chờ ngày lành tháng tốt được. Trường hợp này, bạn có thể chọn bất cứ ngày nào miễn đừng rơi vào các ngày xấu. Những ngày nào được xem là ngày xấu? Theo quan điểm của người xưa, ngày xấu nên tránh các ngày như:

  • Ngày hắc đạo, có hung tinh, ngày kỵ: Thiên đả, Thiên lôi, Tam cường, Tam nương, Sát chủ, Thiên ma, Nguyệt phá, Nguyệt sát, Nguyệt hỏa, Nguyệt yểm, Nguyệt kỵ, Thiên hình, Thiên tặc, Địa tặc, Ly sàng, Cô quả, Phòng không, Trùng phục, Thọ tử, Vãng vong, Dương công nhật kỵ, Kim Thần Thất Sát, Tứ lập.
  • Ngày kỵ tuổi (Thiên khắc, Địa xung): Là các ngày trực Kiến, trực Phá, trực Nguy.
  • Các ngày trong tháng 7 âm lịch.

Từ xưa đến nay, các cụ áp dụng nhiều cách xem ngày lành tháng tốt để tổ chức Cưới Hỏi cái chính là mong muốn mang đến những điều tốt lành cho con cháu. Việc chọn ngày còn phụ thuộc vào phương pháp xem, người xem và nhiều yếu tố khác, cần có sự cân nhắc cẩn thận bởi lời người xưa đã dạy “có thờ có kiêng, có thiêng có lành”, không phải vì vô cớ mà tập tục xem ngày vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài TrờiTrang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

error: Content is protected !!
Contact Me on Zalo