Trước sự lãng mạn đến từ màn cầu hôn của các bộ phim Hollywood, nhiều cô gái ước ao nhận được lời cầu hôn ngọt ngào cùng chiếc Nhẫn Cầu Hôn từ bạn trai, mặc dù cả hai cũng đang háo hức lên kế hoạch cho Đám Cưới sắp diễn ra. Vậy ý nghĩa của Nhẫn Cưới và Nhẫn Đính Hôn khác nhau như thế nào và tại sao vừa tặng Nhẫn Đính Hôn vừa tặng Nhẫn Cưới?
Nội Dung Bài Viết
Nhẫn Cưới và Nhẫn Đính Hôn khác nhau như thế nào?
Phân biệt Nhẫn Cầu Hôn và Nhẫn Cưới.
Ý nghĩa biểu tượng của chiếc nhẫn.
Cả Nhẫn Cưới và Nhẫn Cầu Hôn (hay Nhẫn Đính Hôn) đều mang ý nghĩa tượng trưng cho sự gắn kết giữa hai người. Một khi trao nhẫn, đồng ý nhận nhẫn và đeo chúng trên tay thể hiện cả hai mong ước sẽ luôn gắn bó, tin tưởng và tôn trọng nhau trong suốt quãng thời gian kể từ đây trở về sau. Tuy cả Nhẫn Cưới và Nhẫn Đính Hôn đều được xem là “tín vật” của tình yêu nhưng chúng có kiểu dáng và mục đích sử dụng riêng, vì thế người ta mới vừa trao Nhẫn Đính Hôn vừa trao Nhẫn Cưới vào những dịp khác nhau. Dianthus sẽ giải thích về mục đích sử dụng của từng loại nhẫn như thế nào ngay bên dưới đây.
Tuyên ngôn, hàm ý của việc trao nhẫn.
Ý nghĩa của Nhẫn Cưới là gì? Nhẫn Cưới có thể hiểu là một lời tuyên bố “Cô ấy/Anh ấy là Vợ/Chồng của tôi”, trong khi ý nghĩa của Nhẫn Cầu Hôn lại là một câu hỏi, mà thường là chàng trai muốn hỏi cô gái “Em đồng ý làm vợ anh nhé?” (Will you marry me?). Nếu như Nhẫn Cưới được đeo trong ngày làm Lễ Cưới tức là cả hai người đều biết rõ về Đám Cưới sắp diễn ra, thì khi trao Nhẫn Cầu Hôn rất hồi hộp do không biết câu trả lời của cô ấy/anh ấy là gì, có đồng ý hay là không. Vì vậy, Nhẫn Cầu Hôn mang nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần – vừa háo hức lại vừa hồi hộp, nhất là khi chàng trai chưa lên tiếng hỏi và cô gái chưa trả lời.
Sự khác nhau trong bối cảnh trao nhẫn.
Sau khoảng thời gian tìm hiểu, nếu chàng trai thật sự muốn Kết Hôn với cô gái mà mình yêu thương thì anh ta sẽ âm thầm chuẩn bị Nhẫn Cầu Hôn, trước đó phải tiết kiệm tiền, dành thời gian đi lựa nhẫn, rồi chọn thời điểm thích hợp để tiến hành cầu hôn bạn gái. Nếu đồng ý, cô gái đưa ngón tay ra để bạn trai đeo nhẫn vào, chuyển mối quan hệ từ bạn gái sang thành vợ chưa cưới. Trong khi đó, Nhẫn Cưới thường là một cặp được cả hai trao cho nhau vào ngày tổ chức Lễ Cưới, tùy theo phong tục và tín ngưỡng của mỗi gia đình mà có thể dựa trên trình tự tổ chức Lễ Cưới tại tư gia hay Lễ Cưới ở nhà thờ (Thánh Lễ Hôn Phối) hoặc Lễ Hằng Thuận trong chùa,… Tuy rằng bối cảnh trao nhẫn khác nhau nhưng cùng có ý nghĩa là đánh dấu thời điểm cả hai chính thức thành vợ thành chồng của nhau.
Kiểu dáng, chất liệu nhẫn có gì khác?
Nhẫn Cầu Hôn được bí mật làm tặng cho cô gái nên số lượng là một chiếc, Nhẫn Cầu Hôn thường có chi tiết cầu kỳ và giá thành đắt hơn rất nhiều so với Nhẫn Cưới, do trên mặt Nhẫn Cầu Hôn luôn gắn thêm Kim Cương, ngọc, đá quý… Còn Nhẫn Cưới được dùng để hai người trao cho nhau trong Ngày Cưới nên số lượng là hai chiếc, thiết kế của Nhẫn Cưới thường có mặt trơn ít họa tiết, ít hoặc thậm chí không đính Kim Cương/đá quý.
Bên cạnh kiểu dáng, chất lượng Nhẫn Cưới đúng theo sở thích thì làm sao để sử dụng nhẫn lâu bền, tiện lợi trong đời sống cũng là yếu tố quan trọng.
Chuyện cầu hôn và những câu hỏi thường gặp.
Cầu hôn là lãng mạn hay làm màu?
Cầu hôn có phải là làm màu không? Thực tế, có một số màn cầu hôn gây ồn ào diễn ra trước cả người không quen biết và cũng có những buổi cầu hôn lặng lẽ chỉ giữa hai người với nhau. Ồn ào hay âm thầm là chuyện thuộc về sở thích và suy nghĩ của mỗi cá nhân, tuy nhiên khi chứng kiến niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt của những cô nàng, là con gái chắc hẳn ai cũng mong được một lần thử cảm giác được bạn trai cầu hôn.
Người Việt có nên cầu hôn không?
Mặc dù văn hóa cầu hôn chưa phổ biến với người Việt, nhưng để tình yêu thêm thăng hoa và có khoảnh khắc đáng nhớ để làm kỷ niệm thì các chàng trai Việt nên học hỏi và áp dụng việc cầu hôn. Trường hợp không thích thể hiện ra ngoài nhiều, hãy sắp xếp một bữa ăn tối với nến và hoa, rồi tiến hành một màn quỳ gối để tặng hoa và trao Nhẫn Cầu Hôn cho người yêu trước sự chứng kiến của vài người bạn là đủ.
Việc cầu hôn của người Việt không nhiều ý nghĩa?
Như ở trên đã nói về ý nghĩa của chiếc Nhẫn Cầu Hôn là chàng trai phải lên tiếng hỏi sau đó hồi hộp chờ xem cô gái trả lời ra sao. Trong khi đó, theo văn hóa của người Việt thì kịch bản cầu hôn sẽ hơi khó khăn và li kỳ một chút, do cặp đôi không hoàn toàn quyết định việc Kết Hôn, mà quyền chi phối thuộc về người khác bắt đầu từ phụ huynh, anh chị em và họ hàng hai bên cho đến thầy xem tử vi, phong thuỷ,… Có thể nói rằng màn cầu hôn thú vị ở chỗ chưa biết kết quả, cô gái có nhận lời hay không vẫn chưa rõ ràng, còn khi đã biết trước “chắc chắn sẽ lấy nhau” thì việc “hỏi nhau” không mang nhiều ý nghĩa nữa.
Người Việt muốn cầu hôn cần làm gì?
Muốn có màn cầu hôn ý nghĩa, các chàng trai cần tìm hiểu một chút về phong tục Tổ Chức Cưới Hỏi chung của nước ta thường bao gồm các sự kiện chính như: Lễ Dạm Ngõ, Lễ Đính Hôn, Lễ Cưới và Tiệc Cưới. Trong đó, Lễ Đính Hôn và Lễ Cưới nào cũng có trình tự trao nhẫn nên không có gì thú vị. Để tạo sự bất ngờ cho người yêu, khi vừa mới có ý định Kết Hôn các anh nên âm thầm chuẩn bị nhẫn và tổ chức cầu hôn, nếu thành công mới tiếp sang bước thưa chuyện với người lớn để làm thủ tục Lễ Dạm Ngõ.
Lễ Dạm Ngõ là buổi lễ nói chuyện của người lớn hai bên gia đình, còn được gọi là Lễ Chạm Ngõ, Lễ Giáp Lời, Lễ Thăm Nhà Gái, Lễ Xem Mặt hay Đám Nói.
Nếu không cầu hôn thì có làm sao không?
Trong xã hội Phương Tây, nơi quyền bình đẳng của phụ nữ được đề cao, họ có thể chọn chung sống với một người đàn ông thậm chí sinh con cho anh ta, nhưng không đồng nghĩa phải Kết Hôn với người đó, và khi Kết Hôn sẽ do cả hai tự quyết định hoàn toàn mà không có sự can thiệp của Mẹ Cha. Nếu muốn cưới cô gái làm vợ thì người bạn trai cần có trách nhiệm với cuộc sống gia đình, phải thể hiện sự chân thành thông qua hành động cầu hôn rồi chờ xem cô ấy có đồng ý hay không. Còn tại Việt Nam, nếu thời kỳ trước là Hôn Nhân tuân theo sự sắp đặt của Mẹ Cha, thì thời nay dù có thoải mái hơn nhưng vẫn còn nhiều phong tục truyền thống mà cặp đôi cần hoàn thành. Điều đó khiến cho chuyện cầu hôn không thật sự cần thiết đối với người lớn mà sẽ do cả hai tự sắp xếp với nhau.
Nhẫn đeo cho Cô Dâu trong Lễ Đám Hỏi là gì?
Nhẫn đeo cho Cô Dâu trong Đám Hỏi có phải là Nhẫn Cầu Hôn không? Thông thường một cô gái Phương Tây có hai lần được trao nhẫn, lần đầu là khi bạn trai ngỏ lời cầu hôn (thường chỉ có hai người với nhau), lần thứ hai là vào hôm làm Lễ Cưới trước mặt gia đình và bạn bè, hoặc diễn ra trong thánh đường nhà thờ trước mặt Thiên Chúa qua sự chứng giám của vị Linh Mục. Tương tự, Cô Dâu người Việt cũng có hai lần đeo nhẫn, một lần trong Lễ Đính Hôn và một lần trong Lễ Cưới, cả hai lần đều có sự chứng kiến của đông đủ những người thân yêu. Vì thế, có thể xem Nhẫn Đính Hôn của người Việt là một hình thức Nhẫn Cầu Hôn của người Phương Tây, tuy nhiên xét về mức độ lãng mạn thì không bằng.
Nhẫn Cầu Hôn nên đeo ở ngón tay nào?
Đeo nhẫn thế nào cho đúng? Người ta thường đeo Nhẫn Cầu Hôn vào ngón tay áp út của bàn tay trái (ngón đeo nhẫn), đến khi trao Nhẫn Cưới vẫn đeo vào cùng một ngón, hoặc cũng có thể đeo Nhẫn Cưới ở bàn tay trái rồi chuyển Nhẫn Cầu Hôn sang bàn tay phải đều được. Tuy nhiên các nơi trên thế giới lại có quan niệm thú vị về vị trí đeo nhẫn khác nhau, ví dụ:
- Trung Quốc: Người ta quan niệm (1) Ngón cái tượng trưng cho Cha Mẹ; (2) Ngón trỏ tượng trưng cho anh em, bạn bè; (3) Ngón giữa là chính bản thân mình; (4) Ngón áp út tượng trưng cho người mình yêu, bạn đời; (5) Ngón út là con cái. Vì vậy mà người Trung Quốc đeo Nhẫn Cưới ở ngón áp út của bàn tay trái.
- La Mã: Người La Mã tin rằng có một mạch máu mang tên Vena Amoris ở ngón áp út bàn tay trái chạy thẳng về tim, Vena Amoris cũng có nghĩa là tĩnh mạch tình yêu theo tiếng Latin. Tuy nhiên, khoa học ngày nay đã chứng minh rằng Vena Amoris không hề tồn tại và ngón áp út của tay trái cũng chẳng liên hệ gì với trái tim.
- Việt Nam: Ông Bà ngày xưa có quan niệm rằng “Nam tả, Nữ hữu“, tức là đàn ông ở bên trái còn phụ nữ ở bên phải, cho nên việc đeo nhẫn cũng áp dụng quan niệm này.
Với bài viết trên, Dianthus mong rằng đã có thể giải đáp những thắc mắc cơ bản về nhẫn Cưới và Nhẫn Đính Hôn khác nhau như thế nào? Khi xã hội ngày càng phát triển, văn minh hơn thì đời sống tinh thần cũng cần được quan tâm, việc tổ chức cầu hôn là một cách giúp mang đến cảm xúc tuyệt vời cho người mình yêu, các anh rất nên làm.
Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài Trời và Trang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới – Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.