Xã hội Việt Nam trong giai đoạn phong kiến chịu nhiều ảnh hưởng bởi nền văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là kể từ thời Tây Chu (khoảng 1046 TCN – 771 TCN), tể tướng nhà Chu là Chu Công Đán đã xây dựng và cho áp dụng “tam thư lục lễ” trong việc cử hành các lễ nghi Hôn Lễ. Còn tại Việt Nam, cách đây khoảng 300 năm cư sĩ Hồ Sĩ Tân (1690-1760) người Nghệ An đã cải biên, bổ sung dựa trên những quy cách, tập tục của Chu Công Đán và Hồ Thượng Thư Gia Lễ của ông Hồ Sĩ Dương (1622 – 1682) thành quyển “Thọ Mai Gia Lễ” với nhiều điểm phù hợp với đời sống văn hóa của người Việt hơn. Bạn hãy cùng Dianthus tham khảo xem “Nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt thời phong kiến” nhé!
Nội Dung Bài Viết
Nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt thời phong kiến.
Tìm hiểu “Tam thư lục lễ” là gì?
Vấn đề Hôn Nhân trong xã hội Trung Quốc thời phong kiến cổ đại tuân theo chế độ một chồng, một vợ và nhiều thiếp. Người vợ đầu gọi là đích thê, hoặc vợ cả là người có quyền lực, địa vị hơn nhiều so với thê thiếp vì vậy nghi thức cưới vợ cả tương đối phức tạp, long trọng và được áp dụng “tam thư lục lễ” (Tiếng Anh: Three Letters and Six Etiquette). Trong “tam thư” có:
Sính thư.
Sính thư (Betrothal Letter): Là thư dùng khi tổ chức Lễ Đính Hôn mà Nhà Trai sẽ trao cho Nhà Gái.
Lễ thư.
Lễ thư (Gift Letter): Là thư mà Nhà Gái trao cho Nhà Trai nếu chấp thuận cuộc Hôn Nhân, trong đó sẽ liệt kê chủng loại cùng số lượng lễ vật Cưới Hỏi.
Nghinh Thân thư.
Nghinh Thân thư (Wedding Letter): “Nghinh Thân” hoặc gọi “Nghênh Thân” đều được, đây là thư dùng khi chuẩn bị tổ chức Lễ Cưới tức vào ngày diễn ra Lễ Rước Dâu, trong thư sẽ yêu cầu Nhà Trai thực hiện 06 bước “thân nghênh” tức phải tuân thủ đủ “lục lễ”.
Tìm hiểu 6 Nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt xưa là gì?
Lễ Nạp Thái (Proposing).
Đầu tiên, gia đình Nhà Trai sẽ nhờ người mai mối để ngỏ ý với Nhà Gái, tỏ lòng muốn chọn con gái nhà ấy làm dâu, đặt vấn đề về cưới xin. Sau khi nghị hôn, nếu Nhà Gái đồng ý chấp thuận thì Nhà Trai mới tiến hành thực hiện Lễ Nạp Thái, là bước đầu tiên trong “lục lễ Cưới Hỏi”.
Trong lễ này, Nhà Trai sẽ mang lễ vật là một đôi chim Nhạn còn sống để tặng Nhà Gái, sở dĩ chọn chim Nhạn bởi vì đây là loài chim chung tình, không kết đôi hai lần, chúng lại còn rất thảo ăn, mỗi khi gặp mồi con này liền gọi con kia đến ăn chung, nếu một trong hai con chết đi thì con còn lại cũng buồn rầu mà chết theo. Ngoài ra, chim Nhạn khi trời lạnh bay về Phương Nam, nắng ấm lại trở về Phương Bắc được xem là biểu tượng cho sự thuận hòa với âm dương trời đất, trung trinh trong Hôn Nhân, sau này người ta còn dùng Ngỗng thay cho chim Nhạn vì đây cũng là loài vật biểu tượng của sự thủy chung vợ chồng.
Nhìn chung Lễ Nạp Thái ngày xưa có nhiều nét tương đồng với Lễ Dạm Ngõ ngày nay, đều là buổi đầu tiên mà hai bên gia đình có sự “đánh tiếng” với nhau về Hôn sự cho đôi trẻ. Tham khảo thêm: Tìm hiểu Lễ Dạm Ngõ là gì? Những việc cần chuẩn bị cho Lễ Dạm Ngõ?
Lễ Vấn Danh (Birthday Matching).
Lễ Vấn Danh không phải là để hỏi tên cô gái, mà việc chính là hỏi ngày, giờ, tháng, năm sinh hay còn gọi là “sinh thần bát tự” của cô con dâu tương lai, sau đó nhờ thầy bói quẻ xem hợp tuổi hay khắc tuổi (tức cát hay hung), nếu kết quả là “cát” thì mới tiến hành các bước tiếp theo, nếu “hung” thì hai bên dừng việc Hôn sự.
Để chuẩn bị cho Lễ Vấn Danh, còn được gọi là Lễ Cầu Thân, hay Lễ Trao Canh Thiếp, phía Nhà Trai sẽ chuẩn bị lễ vật và biên canh thiếp trong đó có tên tuổi của chàng rể và mang sang Nhà Gái. Về vấn đề này cũng được thể hiện trong Truyện Kiều qua câu “Tiện đưa canh thiếp trước cầm làm ghi” thì canh thiếp ở đây chính là giấy ghi họ tên, tuổi, ngày sinh, quê quán ở đâu, con nhà ai. Phía Nhà Gái nếu thuận tình sẽ đón Lễ Vấn Danh cũng bằng cách chuẩn bị sẵn một canh thiếp trên đó ghi đầy đủ thông tin về cô gái. Có một điều thú vị là, tên của cô gái không quan trọng bằng họ, bởi vì người xưa xem cùng họ là “đồng tông tộc”, nên những người cùng họ sẽ không lấy nhau.
Lễ Nạp Cát (Presenting Betrothal Gifts).
Sau Lễ Vấn Danh, Nhà Trai sẽ thông báo kết quả tốt lành cho Nhà Gái nếu chàng trai và cô gái hợp tuổi, không chỉ là tục lệ của ngày xưa mà thời nay việc xem tuổi vẫn đóng vai trò quan trọng để hai bên gia đình quyết định cho phép cặp đôi kết hôn hay không. So sánh về cách tổ chức, cử hành nghi thức thì Lễ Nạp Cát có nhiều nét tương đồng với Lễ Đám Hỏi, tức Lễ Đính Hôn ngày nay.
Để tiến hành Lễ Nạp Cát, đoàn Nhà Trai chọn ngày lành tháng tốt đích thân đem lễ vật đến trao cho Nhà Gái như là một hình thức giao kết hôn ước, trước đó còn phải hỏi ý xem Nhà Gái muốn có những lễ vật như thế nào, bày trí ra sao. Việc tổ chức Lễ Nạp Cát tương đối linh đình, trang trọng vì vậy trong con mắt của bà con, xóm làng thì cô con gái nhà ấy xem như là đã có Hôn Ước, có chồng.
Ngày xưa lễ vật chuẩn bị cho Lễ Nạp Cát thường là đồ trang sức, khí cụ, gấm vóc, lụa là… Về sau, lễ vật là buồng cau to đôi khi lên đến 300-400 trái, đôi chai rượu nếp trắng, một mâm xôi gấc, nếu có điều kiện chuẩn bị sính lễ nhiều hơn sẽ có thêm thủ lợn hoặc con lợn sữa quay, mâm trà, mâm bánh trái. Nhìn chung sẽ tùy theo vào hoàn cảnh gia đình và đôi bên thỏa thuận, nếu gia đình giàu có khá giả thì sắm sửa lễ quí, còn hoàn cảnh khó khăn thì chuẩn bị chút ít gọi là bày tỏ lòng thành, trong tương lai không xa sẽ chính thức nghênh đón cô gái về làm con dâu.
Lễ Nạp Trưng (Presenting Wedding Gifts).
Lễ Nạp Trưng còn được biết đến với những tên gọi khác như Lễ Nạp Tài, Nạp Chinh, Nạp Tệ, hay tục thách cưới. Trước khi diễn ra Lễ Nạp Trưng, Nhà Gái có quyền yêu cầu Nhà Trai phải chuẩn bị danh sách lễ vật theo mong muốn, và thường đưa ra yêu cầu rất cao về số lượng, chủng loại sính lễ nên không phải Nhà Trai nào cũng có khả năng đáp ứng được hết. Điều đó tạo nên tục lệ thách cưới, đặc biệt là đối với những gia đình không muốn gả con gái đi xa, nhưng khó mở lời từ chối thẳng thừng thì đưa yêu cầu thách cưới sao cho thật khó khăn để Nhà Trai tự lượng sức mà bỏ cuộc.
Lễ Thỉnh Kỳ (Picking Auspicious Wedding Date).
Thỉnh Kỳ nghĩa là chọn ngày, Nhà Trai nhờ thầy xem và định ra ngày tốt, giờ tốt để tổ chức Lễ Cưới rồi đưa cho Nhà Gái xem qua, thực ra chỉ là để đầy đủ phép tắc chứ thường thì Nhà Gái cũng xuôi theo ngày, giờ mà Nhà Trai đã quyết. Việc chọn ngày tuy không phức tạp nhưng lại khá thú vị, bởi tùy thuộc phương pháp xem ngày của thầy sẽ cho ra những ngày tốt, xấu khác nhau cho nên thời đại bây giờ người ta chỉ xem để tránh rơi vào ngày đại hung, hoặc vào năm không tốt, còn lại thường tổ chức vào ngày giờ thuận lợi cho đôi bên và khách mời tham dự (cuối tuần: Thứ Bảy, Chủ Nhật).
Lễ Thân Nghinh (Wedding Ceremony).
Lễ Thân Nghinh hay còn gọi Lễ Thân Nghênh là lễ cuối cùng trong trình tự 06 lễ. Sau khi được Nhà Gái ưng thuận, đồng ý với ngày, giờ đã định của bên Nhà Trai, hai bên gia đình sẽ ngồi bàn luận chi tiết về các yêu cầu lễ vật, thủ tục nghi thức cho Lễ Thân Nghinh. Đây chính là việc gia đình sắm sửa sính lễ để chuẩn bị cho Chú Rể đi đón Cô Dâu về Nhà Trai và thực hiện các nghi thức bái kiến cha mẹ Cô Dâu cùng tất cả họ hàng thân thích, rước Cô Dâu lên kiệu hoa về nhà để tiến hành Lễ Bái Đường, Lễ Hợp Cẩn và cuối cùng là Lễ Động Phòng Hoa Chúc.
Qua bài viết “Nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt thời phong kiến” đã giới thiệu đầy đủ 06 nghi lễ truyền thống, được xem là chuẩn mực mà một cặp đôi thời xưa trải qua nếu muốn tiến đến Hôn Nhân. Hiện nay, tuy nhiều thủ tục rườm rà trong Cưới Hỏi đã được rút gọn, lược bỏ bớt nhưng những nghi lễ nào còn giữ lại thì căn bản vẫn dựa trên phong tục của người xưa. Xem thêm: Những lễ nghi Cưới Hỏi chuẩn dành cho người Việt hiện đại.
Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài Trời và Trang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới – Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết này thuộc chủ đề Lễ Dạm Ngõ. Nếu bạn đang trong quá trình chuẩn bị cho buổi lễ này, có thể đọc thêm các bài viết cùng chủ đề sau đây:
Phần 1 – Tìm hiểu Lễ Dạm Ngõ là gì? Những việc cần chuẩn bị cho Lễ Dạm Ngõ?
Phần 2 – Chuẩn bị lễ vật Dạm Ngõ theo phong tục của 3 miền.
Phần 3 – Trình tự tổ chức Lễ Dạm Ngõ sao cho đúng chuẩn?.
Phần 4 – Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Dạm Ngõ được chu toàn?
Phần 5 – Bí quyết giúp chuẩn bị bài phát biểu Lễ Dạm Ngõ ý nghĩa.
Phần 6 – Nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt thời phong kiến.
Phần 7 – Những lễ nghi Cưới Hỏi chuẩn dành cho người Việt hiện đại.
Phần 8 – Mẫu bài phát biểu trong Lễ Dạm Ngõ.