Phong tục Cưới Hỏi truyền thống của người Việt ngày nay vẫn còn giữ lại 03 lễ chính gồm: Lễ Dạm Ngõ, Lễ Đính Hôn, Lễ Cưới tiếp đến là buổi Tiệc Cưới. Để cho việc tổ chức được thuận tiện, nhiều gia đình chọn hình thức tổ chức gói gọn, gộp nhiều buổi lễ lại thành một, chẳng hạn gộp Lễ Đám Hỏi và Lễ Cưới tổ chức trong cùng ngày. Người ta làm như vậy có đúng không? Nếu bạn muốn gộp Lễ Đám Hỏi và Đám Cưới trong cùng ngày có sao không?
Nội Dung Bài Viết
Gộp Lễ Đám Hỏi và Đám Cưới trong cùng ngày có sao không?
Hình thức tổ chức gộp Lễ Cưới là gì?
Tổ chức gộp chung Lễ Đám Hỏi và Lễ Cưới là hình thức giản lược quy trình Đám Cưới truyền thống nhằm bớt đi những nghi lễ thủ tục. Mục đích là để giải quyết các vấn đề cấp bách hơn liên quan đến thời gian, chi phí và khoảng cách. Theo đó, trình tự Đám Cưới thay vì được tổ chức với ba lễ một tiệc, bao gồm: Lễ Dạm Ngõ, Lễ Đính Hôn, Lễ Cưới và Tiệc Cưới thì chỉ còn giữ lại hai lễ hoặc thậm chí là một lễ mà thôi, thông thường người ta sẽ gộp Lễ Đính Hôn tức Lễ Đám Hỏi với Lễ Cưới tổ chức chung một ngày.
Để tổ chức Lễ Đính Hôn thành công tốt đẹp, hai bên gia đình cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng và Dianthus có thể hỗ trợ bạn trong nhiều việc quan trọng.
Tại sao phải gộp Lễ Cưới?
Ngày nay, có nhiều lý do để cặp đôi chọn hình thức tổ chức gộp lễ, phổ biến nhất là những nguyên nhân sau:
Thứ nhất là khoảng cách địa lý, Nhà Trai và Nhà Gái ở cách xa nhau, chẳng hạn Sài Gòn – Hà Nội, hay Sài Gòn – Cà Mau… Nếu tổ chức theo quy trình thông thường Lễ Dạm Ngõ xong 3 – 4 tháng sau tổ chức Lễ Đính Hôn, sau đó 1 – 2 tháng tổ chức Lễ Cưới thì không thuận tiện cho việc đi lại. Nhất khi gia đình có người lớn tuổi, không chỉ trở ngại đường xá, sức khỏe mà còn gây phát sinh nhiều chi phí.
Thứ hai là vấn đề thời gian, Ông Bà tuổi cao sức yếu sợ rằng không chờ đợi con cháu đến ngày thành gia lập thất nếu như việc tổ chức dàn trải, kéo dài. Bên cạnh đó là các vấn đề tế nhị liên quan trực tiếp đến hai bạn trẻ, chẳng hạn Cô Dâu đang có bầu đợi lâu sẽ có nhiều điều bất tiện.
Thứ ba là để tiết kiệm chi phí cưới vợ, đây cũng là lý do mà người ta gộp Lễ Đám Hỏi và Lễ Cưới, đặc biệt là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoặc cặp đôi tự lo chi phí tổ chức mà không cần đến sự hỗ trợ tài chính từ Ba Mẹ.
Khi áp dụng những kinh nghiệm giúp Tổ Chức Đám Cưới tiết kiệm, bạn có thể bước vào giai đoạn chuẩn bị Đám Cưới bằng tâm thế vui vẻ, nhẹ nhàng.
Cách tổ chức gộp Lễ Đám Hỏi và Đám Cưới như thế nào?
Sau đây là chi tiết trình tự tổ chức Lễ Đám Hỏi và Lễ Cưới trong cùng ngày. Cả hai buổi lễ này đều cần xem giờ đẹp mới bắt đầu, với Lễ Đám Hỏi tiến hành trước, Lễ Cưới thực hiện sau.
Căn cứ theo trình tự Lễ Đám Hỏi, Nhà Trai trao quả cho Nhà Gái, vị Chủ Hôn xin phép cho Cô Dâu được ra mắt họ Nhà Trai. Cô Dâu xuất hiện chào hỏi hai họ, rồi cặp đôi sẽ thắp nhang báo cáo Ông Bà trước bàn thờ, nếu Cha Mẹ họ hàng có cho quà cưới thì nên tranh thủ. Kế đến, vị Chủ Hôn Nhà Trai xin phép được cáo từ để chuẩn bị cho Lễ Cưới, Nhà Gái tiến hành trả quả cho Nhà Trai, mọi công đoạn cần được thực hiện khẩn trương hơn so với bình thường bởi sau đó còn chuẩn bị cho Lễ Cưới.
Việc gia đình hai bên quan tâm và thực hiện đúng theo trình tự Lễ Đính Hôn, sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp cho Lễ Cưới trong tương lai.
Hoàn thành thủ tục Lễ Đám Hỏi, Nhà Trai chào Nhà Gái ra về, thực chất là quay lại điểm tập trung ở gần Nhà Gái để chờ đến giờ đẹp mới tiến hành Lễ Cưới tức Lễ Đón Dâu. Đến giờ lành, Nhà Trai mang khay Trầu – Rượu vào làm thủ tục xin dâu, cũng có gia đình kỹ tính còn chuẩn bị thêm bộ Mâm Quả Lễ Cưới thực hiện trao quả lần hai cho đúng nghi lễ. Vị Chủ Hôn xin phép cho Cô Dâu được trình diện (lần 2), lúc này Cô Dâu có thể thay trang phục mới để ra mắt họ hàng hai bên, và cặp đôi tiếp tục thắp nhang lần hai trước bàn thờ gia tiên. Bình thường các thủ tục Lễ Cưới Nhà Gái diễn ra thế nào sẽ thực hiện như vậy, sau đó Nhà Trai xin phép được đón dâu, nếu ban đầu có trao mâm quả thì tiếp tục trả quả lần hai, như vậy là hoàn thành nghi thức Lễ Cưới tại Nhà Gái.
Tìm hiểu kỹ lưỡng trình tự tổ chức Lễ Cưới giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất để xây dựng kịch bản chương trình Lễ Cưới phù hợp, thuận lợi cho đôi bên.
Đối với những gia đình ở xa, Nhà Trai có thể đến sớm thuê khách sạn ở lại rồi tổ chức Lễ Đám Hỏi vào ngày hôm trước, qua sáng hôm sau mới tiến hành Lễ Cưới rồi đưa dâu về Nhà Trai, như vậy cũng là cách để tách thành hai buổi lễ riêng biệt mà vẫn tiết kiệm được thời gian. Hoặc trong trường hợp đặc biệt, có thể bỏ qua Lễ Đám Hỏi chỉ tiến hành Lễ Cưới, chẳng hạn trong ngày hôm đó chỉ có duy nhất một giờ đẹp mà thôi nên ưu tiên để làm Lễ Cưới. Tuy nhiên giữa hai gia đình cần có sự bàn bạc, thống nhất trong cách thực hiện tạo tiền đề thuận lợi, hạnh phúc cho cặp đôi.
Có nên gộp Lễ Đám Hỏi và Đám Cưới hay không?
Ở phần trên, Dianthus đã liệt kê một số nguyên tại sao phải gộp Lễ Cưới, trong đó nhắc đến vấn đề khoảng cách địa lý, vấn đề thời gian và vấn đề chi phí. Nếu như bạn gặp phải một trong các tình huống trên thì nên tổ chức gộp Lễ Đám Hỏi và Đám Cưới, bởi có lẽ đây là giải pháp tốt nhất rồi. Tất cả các nghi thức truyền thống, Mâm Quả Cưới Hỏi, phương tiện di chuyển, thành phần nhân sự dự lễ… chỉ cần chuẩn bị một lần, góp phần làm cho mọi việc trở nên nhẹ nhàng, tạo sự thoải mái cho mọi người.
Tuy nhiên, trong đánh giá của nhiều người tổ chức gộp lễ được xem là sơ sài, không giữ được sự trang nghiêm cần có đối với sự kiện mang tính quan trọng của đời người. Chưa kể là hàng xóm sẽ dị nghị, lời ra tiếng vào “Nhà ấy phải như thế nào thì mới tổ chức nhanh gọn kiểu mì ăn liền như thế chứ”. Do đó, nếu bạn không gặp bất kỳ trở ngại nào thì việc tổ chức gộp lễ là điều không cần thiết. Tổ Chức Đám Cưới đúng theo trình tự không chỉ giúp cho bạn có được những kỷ niệm thú vị về ngày vui, mà còn khiến hình ảnh gia đình được trân trọng hơn trong ánh mắt của mọi người xung quanh.
Tóm lại, việc gộp Lễ Đám Hỏi và Đám Cưới trong cùng ngày thường rơi vào các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt hoặc ở thế “chẳng đặng đừng”, có áp dụng cũng là nhằm tạo sự thuận lợi cho đời sống Hôn Nhân của hai bạn trẻ trong tương lai, quan trọng nhất là giữa hai bên gia đình phải đồng thuận, ủng hộ phương án này qua đó góp phần giúp cho mọi việc diễn ra được suôn sẻ.
Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài Trời và Trang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới – Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết này thuộc chủ đề Lễ Đính Hôn hay còn gọi là Lễ Ăn Hỏi. Nếu bạn đang trong quá trình chuẩn bị cho buổi lễ này, có thể đọc thêm các bài viết cùng chủ đề sau đây:
Phần 1 – Lễ Đính Hôn là gì? Lễ Đính Hôn có giống Lễ Ăn Hỏi không?
Phần 2 – Những việc quan trọng cần làm trước Lễ Đính Hôn.
Phần 3 – Trình tự tổ chức Lễ Đính Hôn gồm những gì?
Phần 4 – Đám Hỏi cần chuẩn bị những gì? Chi phí cho Đám Hỏi?
Phần 5 – Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ Đính Hôn?
Phần 6 – Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Đính Hôn?
Phần 7 – Chuẩn bị lễ vật Đính Hôn gồm những gì?
Phần 8 – Dianthus giúp được gì khi bạn tổ chức Lễ Đính Hôn.
Phần 9 – Giải đáp thắc mắc thường gặp liên quan Lễ Đám Hỏi.
Phần 10 – Phân biệt giữa Lễ Đám Hỏi và Ăn Hỏi khác nhau như thế nào?
Phần 11 – Gộp Lễ Đám Hỏi và Đám Cưới trong cùng ngày có sao không?
Phần 12 – Cô Dâu có nên cầm hoa trong Đám Hỏi hay không?
Phần 13 – Mẫu bài phát biểu trong Lễ Đính Hôn.
Phần 14 – Tìm hiểu Lễ Dạm Ngõ là gì? Những việc cần chuẩn bị cho Lễ Dạm Ngõ?