Lễ Tân Hôn hay chính là buổi Lễ Cưới tại Nhà Trai gồm một chuỗi các nghi thức quan trọng nhằm hoàn thành việc tổ chức Cưới Hỏi cho cặp đôi theo truyền thống. Trong ngày đặc biệt này, gia đình Nhà Trai sẽ đón tiếp bà con và các vị khách quý đến dự, chắc chắn không muốn để bất kỳ sai sót nào xảy ra. Nếu muốn như vậy Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ Tân Hôn được chu đáo?
Nội Dung Bài Viết
Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ Tân Hôn?
Cụm từ Nhà Trai được nhắc đến trong tiêu đề bài viết này sẽ bao gồm 03 đối tượng chính là Chú Rể, Ba Mẹ của Chú Rể và bà con, họ hàng bên phía Chú Rể. Vì thế bài viết này được dành cho cả 03 đối tượng kể trên, sau đây sẽ là danh sách các công việc mà Nhà Trai cần thực hiện, còn nếu bạn ở bên phía Đàng Gái vui lòng tham khảo bài “Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Vu Quy?”.
Thường ngày chúng ta hay nhìn thấy các cụm từ quen thuộc Lễ Tân Hôn, Lễ Vu Quy, Lễ Thành Hôn mà không biết nên hiểu thế nào mới đúng.
Việc cần làm từ 3 - 4 tháng trước Lễ Tân Hôn.
Sửa chữa, tân trang nhà cửa.
Sửa nhà là công việc rất quan trọng, không chỉ để có ngôi nhà khang trang chuẩn bị việc tiếp đón khách chu đáo, mà điều này còn vô cùng cần thiết nếu bạn chưa có nhà riêng. Khi còn sống chung với Ba Mẹ và các Anh Chị Em, việc gia đình có thêm một người con gái mới đến, đòi hỏi mọi thứ phải kín đáo hơn. Do đó, khoảng 3 – 4 tháng trước Ngày Cưới, bạn cần sửa sang, tân trang lại ngôi nhà, chuẩn bị một căn phòng khép kín, riêng tư làm tổ ấm cho cả hai.
May hoặc thuê trang phục.
Chỉ chuẩn bị trang phục cho Chú Rể thôi sẽ tương đối đơn giản, bởi vì đồ mặc của Chú Rể có thể đã được studio chụp ảnh lo trọn gói, nhưng nếu trang phục cho cả gia đình gồm Cha Mẹ, Anh Chị Em lại là một vấn đề khác. Hãy cân nhắc việc may hoặc thuê phục trang tùy thuộc vào sở thích và điều kiện kinh tế của bạn, nếu như chọn may thì nên tiến hành thật sớm, bởi đó là cả một quá trình gồm chọn vải, chọn kiểu, lấy số đo, thử đồ,… Đối với vấn đề này, anh Thanh Danh chia sẻ quan điểm riêng như sau: “Tôi chọn may áo vest cho Ba và áo dài cho Mẹ, bởi vì nghĩ rằng không chỉ dịp Đám Cưới này mà nếu có tiệc tùng, hay sự kiện quan trọng nào khác cũng dùng được”. Bạn có thể tham khảo album Lễ Tân Hôn trang trí Hoa Thiên Điểu của Quỳnh Vy & Thanh Danh tại đây.
Sắm sửa sính lễ Cưới Vợ.
Sính lễ Cưới Vợ hay Mâm Quả Cưới (người Miền Bắc gọi là Tráp Đám Cưới) chính là những vật phẩm Nhà Trai mang đến trao tặng Nhà Gái để xin dâu theo phong tục truyền thống. Chuẩn bị sính lễ chu đáo được xem là lời cảm ơn chân thành của Nhà Trai đối với Nhà Gái vì công sinh thành, dưỡng dục nên Cô Dâu. Vì vậy, trước lúc sắm sửa sính lễ, Nhà Trai nên hội ý với bên Đàng Gái trước để biết yêu cầu cụ thể là gì mà sửa soạn cho đúng, hoặc nếu như việc này đã được hai bên bàn bạc vào ngày tổ chức Lễ Đính Hôn thì cứ y theo thỏa thuận mà làm.
Hướng dẫn cách chuẩn bị Mâm Quả Cưới Hỏi dựa theo văn hóa từng vùng miền và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.
Sắm nữ trang tặng con Dâu.
Trong buổi Lễ Gia Tiên tại Nhà Gái, khi Cô Dâu ra mắt bà con hai bên và cử hành các nghi lễ, Mẹ Chồng chuẩn bị sẵn một bộ nữ trang để tự tay đeo cho nàng dâu mới. Bộ nữ trang gồm một chiếc kiềng, một chiếc lắc (vòng tay), và một đôi bông tai thường làm bằng vàng 24K, hoặc 18K. Tất nhiên, Nhà Trai phải dựa trên điều kiện kinh tế mà chuẩn bị bộ trang sức sao cho phù hợp, chứ Nhà Gái đa phần không đòi hỏi. Nhưng cần biết rằng, bộ trang sức dù cho cầu kỳ hay đơn giản vẫn là một khoản chi phí cưới vợ đáng kể.
Chọn mua Nhẫn Cưới.
Nghi thức trao Nhẫn Cưới là một trình tự quan trọng của Lễ Gia Tiên, vì thế, cặp Nhẫn Cưới cần được mua trước đó từ 2 – 3 tháng, thậm chí nếu có thời gian chuẩn bị kỹ hơn, bạn nên lập kế hoạch trước 5 – 6 tháng. Quyết định mua Nhẫn Cưới sớm sẽ giúp bạn chọn được thời điểm diễn ra các ngày lễ đặc biệt trong năm như Lễ Tình Yêu 14/02, Quốc Tế Phụ Nữ 08/03, Phụ Nữ Việt Nam 20/10,… Vào những dịp này thường có những đợt khuyến mãi, giảm giá đáng kể, ít nhất là 10% đôi khi lên đến 30%.
Bên cạnh kiểu dáng, chất lượng Nhẫn Cưới đúng theo sở thích thì làm sao để sử dụng nhẫn lâu bền, tiện lợi trong đời sống cũng là yếu tố quan trọng.
Chuẩn bị tiền nạp tài.
Tiền nạp tài là gì? Tiền nạp tài hay được biết đến nhiều hơn với tên gọi tiền nát, lễ đen hoặc có nơi gọi là tiền dẫn cưới. Đây là một khoản tiền do Nhà Trai chuẩn bị trước hôm cưới, đặt trong phong bao lì xì màu đỏ để đưa sang Nhà Gái. Tiền nạp tài mang ý nghĩa như là món quà mà Nhà Trai dành để tỏ lòng cảm ơn Nhà Gái đã có công sinh thành, dưỡng dục Cô Dâu, cũng như chia sẻ một phần chi phí cho việc tổ chức Cưới Hỏi. Tùy theo cách tổ chức của mỗi gia đình mà tiền nạp tài được Nhà Trai trao trong Lễ Đính Hôn, hay Lễ Cưới, nếu như Lễ Đính Hôn đã trao rồi thì thôi.
Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp mà Lễ Nạp Tài còn là cách Nhà Trai thể hiện sự trân trọng đối với Nhà Gái.
Việc cần làm từ 1 - 2 tháng trước Lễ Tân Hôn.
Lên danh sách người tham dự.
Lễ Tân Hôn vốn chỉ gồm những người thân thiết, người trong gia đình, dòng tộc, nhưng không phải người thân nào cũng được mời tham dự Lễ Tân Hôn, bởi còn gặp giới hạn về không gian tổ chức. Do đó việc lên danh sách người tham dự là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, nếu nhờ ai đi đón dâu cùng thì bạn cũng biết cách mời cho đúng phép tắc, và những mối quan hệ khác có thể mời tham dự buổi tiệc sau Lễ Tân Hôn.
Đặt Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên.
Lễ Tân Hôn ở Nhà Trai cần trang trí những gì? Cổng hoa, bàn ghế hai họ, bàn thờ gia tiên, hoa tươi để bàn, bình trà, tách trà… là những chi tiết trang trí cơ bản mà Nhà Trai cần chuẩn bị. Ngoài ra, còn phải dựa trên số lượng khách Nhà Gái tham dự và diện tích của Nhà Trai mới biết được nên trang trí những gì, trang trí ra sao, cũng như cần có đơn vị chuyên Trang Trí Gia Tiên đến khảo sát thực tế. Để chuẩn bị tốt, gia đình nên tiến hành chọn và đặt cọc dịch vụ trang trí ít nhất trước 02 tháng.
Xem thêm: Các hạng mục Trang Trí Gia Tiên.
Đặt quay phim, chụp hình.
Chọn ê-kip để ghi lại hình ảnh kỷ niệm của gia đình vào ngày tổ chức Lễ Tân Hôn là việc làm không thể thiếu, và công việc này thường do Nhà Trai chịu chi phí, bao gồm cả người chụp hình cho Nhà Gái nếu có. Để lưu giữ kỷ niệm, tùy theo nhu cầu của gia đình và cặp đôi mà chỉ chụp hình là đủ, hay còn cần thêm quay phim nữa. Trong nhiều sự lựa chọn hiện nay, thể loại quay phim, chụp hình phóng sự có vẻ đang được lòng các cặp đôi nhất.
Thuê đội bưng quả nam.
Đội ngũ bưng quả góp phần làm đẹp cho buổi Lễ Tân Hôn, nhất là khi bạn sở hữu một đội hình đồng đều, trang phục “tông xuyệt tông” chắc chắn sẽ tạo nên ấn tượng tốt trong mắt Nhà Gái. Vì thế, nếu bạn mời được anh em, bạn bè, đồng nghiệp để phụ giúp việc bưng quả là rất tốt, chỉ cần nhớ chuẩn bị phục trang đồng bộ cho họ. Hoặc trường hợp không có đủ người thân thiết, bạn nên sử dụng dịch vụ thuê người bưng quả, bạn có thể đặt dịch vụ bưng quả cùng lúc với Trang Trí Gia Tiên, hoặc đặt riêng ở nơi khác đều được.
Chọn người làm rể phụ.
Vai trò của người phụ rể trong Lễ Tân Hôn tương đối quan trọng, bởi phụ rể sẽ chịu trách nhiệm bưng khay rượu cùng với vị Chủ Hôn vào Nhà Gái xin làm Lễ Nhập Gia. Trong đời sống hàng ngày, phụ rể thường là người có mối quan hệ thân thiết với Chú Rể, vì thế trước Lễ Tân Hôn 1 – 2 tháng hãy ngỏ lời mời với cậu bạn thân, anh em trong gia đình hoặc đồng nghiệp thân để nhờ họ làm rể phụ. Ngoài ra, còn phải lưu ý vấn đề trang phục cho chàng phụ rể, nếu không có sẵn thì Chú Rể cũng phải chịu chi phí để thuê.
Tìm người làm Chủ Hôn.
Chủ Hôn thường là người có vai vế lớn trong gia đình, như ông trưởng tộc, trưởng họ; Hoặc có thể là Ông Nội, ông Ngoại; Hoặc Chú, Bác thậm chí là Ba của Chú Rể đều được. Tuy nhiên, Chủ Hôn cần có khả năng giao tiếp, khéo ăn nói để còn thay mặt cho Nhà Trai phát biểu… nên bạn có thể mở rộng phạm vi tìm kiếm, chẳng hạn nhờ bạn bè của Ông Nội – Ông Ngoại, bạn của Ba Mẹ, thậm chí là phải thuê người làm Chủ Hôn chuyên nghiệp nếu thấy cần thiết.
Chủ Hôn là người đại diện hai họ, vừa chứng kiến vừa chủ trì các nghi lễ Cưới Hỏi.
Đặt tiệc chiêu đãi.
Lưu ý, Dianthus đang nói đến vấn đề tiệc chiêu đãi cho người thân hai họ, diễn ra vào buổi trưa ngay sau Lễ Tân Hôn, chứ không phải là Tiệc Cưới, bởi nếu như theo lối sống thành thị thì Tiệc Cưới chính thức sẽ diễn ra vào buổi chiều tại nhà hàng. Nhà Trai phải căn cứ trên số lượng người tham dự Lễ Tân Hôn của cả hai dòng họ mà chuẩn bị, buổi tiệc có thể do người nhà “đạo diễn bếp núc” nếu số lượng không quá lớn, hoặc thuê nhóm nấu chuyên nghiệp phục vụ tận nhà.
Chuẩn bị quà cưới cho cặp đôi.
Ý muốn nói ở đây chính là quà do người thân bên Nhà Trai tặng cho cặp đôi, chẳng hạn như quà của Ông Bà, Ba Mẹ, Anh Chị Em, Chú Bác,… Nếu đã có ý định tặng quà cho con cháu thì nên có kế hoạch từ sớm. Đa phần mọi người chọn tặng tiền, vàng hoặc đồ vật có giá trị, như vậy việc chọn quà đơn giản với người tặng hơn. Tuy nhiên, nếu người tặng có thời gian để chọn lựa hãy nghĩ đến những món quà cưới độc đáo, ý nghĩa hơn. Bạn có thể đọc thêm bài “Gợi ý những món quà cưới thiết thực, ý nghĩa” để có thêm sự lựa chọn.
Việc cần làm từ 1 - 2 tuần trước Lễ Tân Hôn.
Lau dọn bàn thờ Ông Bà.
Trong khoảng 1 – 2 tuần trước Lễ Tân Hôn, gia đình bắt đầu tiến hành lau dọn bàn thờ Ông Bà, cho dù có thuê người làm Trang Trí Gia Tiên thì riêng bàn thờ phải do chính tay người nhà lau dọn. Kinh nghiệm lau dọn bàn thờ là bằng nước ấm, hoặc có nhà lại dùng rượu pha với gừng, tỏi hoặc một số loại thảo dược khác quế, hồi, đinh hương, bạch đàn… với tác dụng tẩy uế, trừ tà mang đến sự thanh tịnh cho nơi thờ tự.
Bàn thờ là nơi tôn nghiêm cho chúng ta thực hiện nghi lễ, nên việc lau dọn bàn thờ làm sao để không phạm tâm linh rất quan trọng.
Viết kịch bản và lời phát biểu.
Theo Dianthus quan sát, dù đây là một công việc quan trọng nhưng ít có gia đình áp dụng. Muốn làm việc này, trước ngày cưới 1 – 2 tuần, sắp xếp một buổi gặp gỡ giữa hai vị Chủ Hôn, để cùng bàn bạc và lên lịch trình hay gọi là kịch bản cho Lễ Tân Hôn và Lễ Vu Quy. Khi nào hai ông thống nhất chương trình xong, sẽ phổ biến cho gia đình hai bên nắm rõ trình tự thủ tục. Bên cạnh đó, dựa theo kịch bản mà soạn lời phát biểu cho phù hợp, nếu làm được như vậy thì buổi lễ sẽ diễn ra một cách trơn tru, tránh nhiều thiếu sót.
Chuẩn bị bài phát biểu kỹ lưỡng sẽ giúp cho buổi Lễ Cưới được diễn ra một cách suôn sẻ, thuận lợi cho đôi bên.
Trang trí xe hoa và phương tiện di chuyển.
Nhà Trai cần thống nhất với Nhà Gái về số lượng người bên họ Nhà Gái sẽ đi đưa dâu là bao nhiêu, căn cứ trên đó để chuẩn bị phương tiện đưa đón người Nhà Gái, việc này tuy nhỏ nhưng cần chuẩn bị chu đáo cho đúng phép tắc. Về phần xe hoa, Chú Rể có thể tự đặt riêng theo ý thích về loại xe, kiểu dáng, màu sắc (đa phần xe hoa cưới màu trắng hoặc đỏ). Nhưng nếu muốn đám cưới thêm hài hòa thì việc trang trí xe hoa nên để cho bên Trang Trí Gia Tiên thực hiện, bởi họ có thể sử dụng chính loại hoa, màu hoa trong trang trí nhà để trang trí xe.
Đặt hoa cầm tay, hoa cài áo.
Trong quá trình thực hiện nghi lễ tại Nhà Gái, Chú Rể mang theo một bó hoa cầm tay, khi Cô Dâu ra mắt hai họ thì bó hoa này sẽ được trao tặng cho Cô Dâu, ngay sau đó cả hai cùng thực hiện nghi lễ trao Nhẫn Cưới. Tuy hoa cưới do Chú Rể trao, nhưng Cô Dâu là người sẽ cầm bó hoa xuyên suốt buổi lễ, vì vậy hãy cho các nàng tự chọn theo sở thích. Trước ngày cưới 1 -2 tuần, cả hai nên dành thời gian đến shop hoa để tham khảo cách bó hoa, chọn loại hoa cũng như Chú Rể có thể đặt thêm hoa cài áo cho những thành viên trong gia đình. Nếu tại Sài Gòn hãy tìm tới Hoa Yêu Thương, 38º Flowers, Flower Box, Dalat Hasfarm tại Sài Gòn hoặc Liti Florist, She Flora, To The Moon And Back, No.23 Floral, Yes Flower, Villa Des Fleur ở Hà Nội là những địa chỉ đáng tin cậy.
Phong bì lì xì cho bưng quả.
Sau khi thực hiện nghi lễ “trả quả” chuẩn bị cho Nhà Trai rước dâu, còn có một nghi lễ nhỏ gọi là “trao duyên”. Để thực hiện nghi lễ này cần có phong bì lì xì màu đỏ, số lượng tương ứng với số người đi bưng quả. Bên trong phong bì bỏ một số tiền tượng trưng trung bình khoảng từ 50 ngàn – 100 ngàn, hoặc nhà nào sang hơn là 200 ngàn nhưng nên cho đồng đều nhau, tránh tình huống phong bì ít phong bì nhiều. Trước khi xuất phát về Nhà Trai, Cô Dâu Chú Rể hoặc một người trong gia đình sẽ trao tận tay cho những người bưng quả, nhằm tránh quan niệm “bán duyên”, hay nỗi sợ “mất duyên” của người xưa, việc trao phong bì là cách giúp “giữ duyên” cho những người bưng quả.
Đội ngũ bưng quả đóng vai trò quan trọng khi Tổ Chức Đám Cưới theo truyền thống nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nhiệm vụ của họ.
Bài viết trên đây là toàn bộ câu trả lời cho những ai còn thắc mắc Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ Tân Hôn? Có thể sự tổng hợp của Dianthus còn thiếu sót, nếu bạn có những kinh nghiệm nào khác, Dianthus mong được chia sẻ để cải thiện chất lượng bài viết trong tương lai.
Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài Trời và Trang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới – Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết này thuộc chủ đề Lễ Cưới hay còn gọi là Lễ Rước Dâu. Nếu bạn đang trong quá trình chuẩn bị cho buổi lễ này, có thể đọc thêm các bài viết cùng chủ đề sau đây:
Phần 1 – Lễ Cưới là gì? Quy trình tổ chức Lễ Cưới truyền thống chuẩn?
Phần 2 – Trình tự tổ chức Lễ Cưới gồm những gì?
Phần 3 – Nên hiểu Tân Hôn, Vu Quy, Thành Hôn thế nào cho đúng?
Phần 4 – Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ Tân Hôn?
Phần 5 – Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Vu Quy?
Phần 6 – Lễ Nạp Tài là gì? Chuẩn bị Lễ Nạp Tài bao nhiêu là đủ?
Phần 7 – Lễ Thượng Đăng là gì? Ý nghĩa của Lễ Thượng Đăng trong Đám Cưới xưa.
Phần 8 – Lễ Tơ Hồng là gì? Ý nghĩa thiêng liêng của Lễ Tơ Hồng?
Phần 9 – Phong tục trải giường cưới là gì? Ý nghĩa và cách thực hiện.
Phần 10 – Của hồi môn là gì? Của hồi môn gồm những gì?
Phần 11 – Mẫu bài văn khấn gia tiên ngày Cưới Hỏi.
Bonus – Kinh nghiệm lau dọn bàn thờ theo quan niệm tâm linh.