Dù không còn được tổ chức rình rang như thời xưa nhưng Lễ Nạp Tài vẫn là một phần không thể thiếu trong trình tự tổ chức Đám Cưới của người Việt ngày nay. Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp mà Lễ Nạp Tài còn là cách thể hiện sự trân trọng của Nhà Trai đối với Nhà Gái. Bạn hãy cùng Dianthus tìm hiểu Lễ Nạp Tài là gì? Chuẩn bị Lễ Nạp Tài bao nhiêu là đủ? trong bài viết sau đây.
Nội Dung Bài Viết
Lễ Nạp Tài là gì? Chuẩn bị Lễ Nạp Tài bao nhiêu là đủ?
Tìm hiểu về Lễ Nạp Tài?
Lễ Nạp Tài là gì?
Trong các Đám Cưới ngày nay, Lễ Nạp Tài được tổ chức nhỏ gọn thông qua nghi thức trao tiền nạp tài vốn chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 3 – 5 phút. Có thể xem số tiền nạp tài như là một món quà mà Nhà Trai trao tặng cho Nhà Gái trong ngày tổ chức Lễ Đính Hôn hoặc Lễ Cưới. Tiền nạp tài còn được biết đến với tên gọi tiền nát, lễ đen hoặc tiền dẫn cưới tùy theo phong tục của từng vùng miền. Trong đó cụm từ lễ đen là được sử dụng phổ biến nhất ở Miền Nam và Miền Trung.
Nguồn gốc của Lễ Nạp Tài?
Lễ Nạp Tài là nghi lễ thứ tư trong trình tự 06 nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt thời phong kiến, với tên gọi chính xác là Lễ Nạp Trưng, ngoài ra còn có những tên gọi khác như Nạp Chinh, Nạp Tệ vốn là khởi nguồn cho tục thách cưới. Thời đó, Nhà Gái sẽ đưa các yêu cầu cụ thể về tiền tài, số lượng lễ vật, thậm chí là ruộng nương, trâu bò… nếu Nhà Trai đáp ứng được đầy đủ thì mới cho phép tiến hành tổ chức Lễ Cưới. Vào thời nay, sáu lễ (lục lễ) Cưới Hỏi đã được giản lược chỉ còn lại ba lễ, do đó Lễ Nạp Tài có thể được ghép chung với Lễ Đính Hôn, hoặc Lễ Cưới tùy theo sự thỏa thuận giữa hai gia đình.
Ý nghĩa của Lễ Nạp Tài?
Vào thời nay, chuyện thách cưới không còn nặng nề như ngày xưa nữa. Đa số Nhà Gái không đưa ra yêu cầu cụ thể mà để Nhà Trai tùy ý quyết định, điều đó đã góp phần giúp cho Lễ Nạp Tài mang nhiều ý nghĩa nhân văn tốt đẹp. Thứ nhất, Lễ Nạp Tài là lời cảm ơn dành cho Nhà Gái vì công ơn sinh thành, dưỡng dục nên Cô Dâu. Thứ hai, Nhà Trai muốn chia sẻ chi phí tổ chức Đám Cưới với bên Nhà Gái thông qua số tiền nạp tài. Thứ ba, Nhà Gái cũng chỉ nhận cho đúng lệ rồi sau đấy sẽ có lời phát biểu, tặng lại số tiền này cho hai con làm vốn. Do đó, suy cho cùng tiền nạp tài chính là số tiền hai gia đình để dành cho con, khi mới thành gia lập thất cũng có được một chút vốn để xây dựng tổ ấm, hoặc làm ăn nếu cần.
Cách chuẩn bị Lễ Nạp Tài như thế nào?
Cách thực hiện Lễ Nạp Tài ra sao?
Tiền nạp tài thường được cho vào phong bì lì xì màu đỏ, ở ngoài có chữ Hỷ. Phong bì nạp tài sẽ đặt bên trong khay Trầu – Rượu, bên trên phủ khăn vải đỏ, khăn này cùng mẫu mã kiểu dáng với khăn phủ mâm quả. Trong quá trình thực hiện Lễ Cưới tại Nhà Gái, khi hai họ đã ổn định chỗ ngồi thì vị Chủ Hôn Nhà Trai sẽ bắt đầu phát biểu, bài giới thiệu gồm có: thành phần tham dự, mục đích buổi lễ, giới thiệu mâm quả sính lễ và trong đó có bao gồm số tiền lễ đen. Tùy theo hai gia đình thỏa thuận trước đó mà nên đọc rõ con số tiền trong lễ đen hoặc không (đa số là sẽ đọc). Kế đến, vị Chủ Hôn Nhà Trai mời bên Nhà Gái cử đại diện lên nhận trước sự chứng kiến của hai họ. Sau khi đã nhận lễ đen, bên Nhà Gái có ý cho lại hai con để làm vốn thì phát biểu, hoặc nhờ vị Chủ Hôn nói giúp.
Phim Phóng Sự Lễ Cưới của Quỳnh Vy & Thanh Danh. Ở đoạn 05:12, Mẹ của Cô Dâu sau khi nhận phong bì tiền Nạp Tài từ Mẹ của Chú Rể đã phát biểu trước hai họ rằng sẽ cho lại Cô Dâu Chú Rể phần tiền này. Video: Dragon Films.
Gộp Lễ Nạp Tài vào Lễ Đính Hôn hay Lễ Cưới?
Thời gian trước đây, người ta thường kết hợp Lễ Nạp Tài với Lễ Đính Hôn, bởi còn có thêm mục đích khác là góp tiền cùng Nhà Gái để tổ chức Đám Cưới cho hai con, vì vậy nên trao tiền nạp tài sớm để gia đình còn chuẩn bị. Tuy nhiên bây giờ, theo tư tưởng hiện đại cũng như điều kiện đường xá xa xôi, nhiều gia đình còn gộp Lễ Đính Hôn với Lễ Cưới thành một, vì thế người ta cũng thực hiện trao tiền nạp tài trong Lễ Cưới.
Chuẩn bị tiền nạp tài Đám Cưới bao nhiêu?
Chuẩn bị tiền nạp tài Đám Cưới bao nhiêu là vừa? Vấn đề số tiền nạp tài còn phụ thuộc vào tục lệ của từng địa phương, có nơi đưa bao nhiêu là tùy Nhà Trai, có nơi Nhà Gái yêu cầu phải là 20, 30 triệu. Tuy nhiên, muốn hài hòa giữa các bên thì chúng ta nên dựa trên ý nghĩa nhân văn của Lễ Nạp Tài, số tiền bao nhiêu hãy tùy thuộc vào gia cảnh và thành ý của Nhà Trai. Nếu Nhà Trai khá giả thì cho nhiều, nếu còn khó khăn có thể cho tượng trưng 5 – 7 – 10 triệu gọi là, vì dù sao thì bên Nhà Gái cũng cho lại hai con chứ ít Cha Mẹ nào cầm riêng, nó kỳ. Nhưng cũng cần phải nói, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, đòi hỏi cách xử lý phải thật khéo léo, bởi vì nếu đã thách cưới thì không ai thách cưới với số tiền 5 – 7 triệu cả.
Xử lý vấn đề tiền nạp tài sao cho khéo?
Dù có ý nghĩa tốt đẹp, nhưng Lễ Nạp Tài lại là vấn đề tương đối nhạy cảm giữa hai bên gia đình. Rõ ràng là không phải gia đình bên gái nào cũng thoải mái, sẽ có nhà yêu cầu khắt khe, hoặc trong lòng muốn A nhưng không thể hiện rõ ý, hoặc lại nói thành B muốn bên kia phải tự hiểu, nên Cô Dâu Chú Rể sẽ đóng vai trò quan trọng để làm cầu nối thông tin giữa hai nhà. Phần Cô Dâu nên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Ba Mẹ, xem ý muốn của Ba Mẹ là gì, rồi lựa lời mà bỏ nhỏ với Chú Rể. Chú Rể cũng phải tinh ý, lắng nghe mong muốn của nhà vợ tương lai mà tìm cách nói lại với gia đình mình. Mất lòng trước được lòng sau, cứ rõ ràng với nhau về số tiền mong muốn, cách thức trình bày, tiền mặt hay vàng… sẽ đơn giản, dễ dàng hơn cho đôi bên.
Lễ Nạp Tài cho tiền hay vàng?
Bỏ qua một số trường hợp cá biệt, đa số Nhà Gái bây giờ đều cởi mở, thoải mái. Vì vậy, bên trong phong bì nạp tài là tiền hay vàng đều không quan trọng, chủ yếu là do sự sắp xếp của Nhà Trai, thấy việc nào thuận tiện và hợp lý thì áp dụng. Trong thực tế, nhiều gia đình chuẩn bị phong bì nạp tài là vàng miếng, ngoại tệ như đồng Dollar, Euro, đôi khi còn có cả trang sức quý. Ngoài ra, dựa theo phong tục và quan niệm của từng miền mà số tiền để trong phong bì nạp tài sẽ là chẵn hay lẻ.
Lễ Nạp Tài có cần thêm sính lễ nào không?
Lễ vật nạp tài cần chuẩn bị những gì? Thời xưa, người ta tổ chức Lễ Nạp Tài thành một ngày riêng, nên bên cạnh tiền tài, lễ vật chuẩn bị theo yêu cầu thách cưới của Nhà Gái còn cần sắm sửa thêm các sính lễ Cưới Hỏi truyền thống như Trầu – Cau, bánh trái, gạo nếp, thịt heo, trang sức, quần áo cho Cô Dâu… Ngày nay, Lễ Nạp Tài được cử hành ngay trong Lễ Đính Hôn, hoặc Lễ Cưới cho nên sính lễ nạp tài cũng chính là bộ Mâm Quả Cưới Hỏi hay Tráp Cưới Hỏi theo cách gọi của Miền Bắc. Số lượng sính lễ còn phải tùy theo phong tục, quan niệm của từng địa phương.
Lễ Nạp Tài miền Bắc - Trung - Nam khác nhau ra sao?
Lễ Nạp Tài ở miền Bắc sẽ được chia thành nhiều phong bì khác nhau, số lượng phong bì phải dựa trên số bát nhang (bát hương) trên bàn thờ gia tiên Nhà Gái, số tiền để trong mỗi phong bì phải là số lẻ, chẳng hạn 5 – 7 – 9 triệu. Trong khi đó Lễ Nạp Tài ở miền Trung và miền Nam được gộp vào một phong bì, số tiền bên trong thường là số chẵn hoặc là một con số đẹp như 99 triệu 9 trăm 99 ngàn đồng, 86 triệu 8 trăm 68 ngàn đồng, hoặc 9 lượng vàng 9999.
Qua bài viết “Lễ Nạp Tài là gì? Chuẩn bị Lễ Nạp Tài bao nhiêu là đủ?”, chắc là bạn đã có được những thông tin cần thiết về Lễ Nạp Tài. Nếu bên phía Nhà Gái, Dianthus mong rằng bạn sẽ trao đổi với Ba Mẹ đừng đưa ra yêu cầu cao quá gây khó khăn cho Nhà Trai. Chuyện vợ chồng muốn có được hạnh phúc, thuận hòa là phải đồng tâm, chia sẻ chứ không nên vì tiền bạc, vật chất mà khiến mối quan hệ của đôi bên mâu thuẫn, rạn nứt.
Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài Trời và Trang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới – Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết này thuộc chủ đề Lễ Cưới hay còn gọi là Lễ Rước Dâu. Nếu bạn đang trong quá trình chuẩn bị cho buổi lễ này, có thể đọc thêm các bài viết cùng chủ đề sau đây:
Phần 1 – Lễ Cưới là gì? Quy trình tổ chức Lễ Cưới truyền thống chuẩn?
Phần 2 – Trình tự tổ chức Lễ Cưới gồm những gì?
Phần 3 – Nên hiểu Tân Hôn, Vu Quy, Thành Hôn thế nào cho đúng?
Phần 4 – Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ Tân Hôn?
Phần 5 – Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Vu Quy?
Phần 6 – Lễ Nạp Tài là gì? Chuẩn bị Lễ Nạp Tài bao nhiêu là đủ?
Phần 7 – Lễ Thượng Đăng là gì? Ý nghĩa của Lễ Thượng Đăng trong Đám Cưới xưa.
Phần 8 – Lễ Tơ Hồng là gì? Ý nghĩa thiêng liêng của Lễ Tơ Hồng?
Phần 9 – Phong tục trải giường cưới là gì? Ý nghĩa và cách thực hiện.
Phần 10 – Của hồi môn là gì? Của hồi môn gồm những gì?
Phần 11 – Mẫu bài văn khấn gia tiên ngày Cưới Hỏi.
Bonus – Kinh nghiệm lau dọn bàn thờ theo quan niệm tâm linh.