Trước ngày tổ chức Lễ Cưới tại Nhà Gái hay còn gọi là Lễ Vu Quy, bạn và gia đình cần tiến hành nhiều công đoạn chuẩn bị như dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ, Trang Trí Gia Tiên, chọn người trang điểm,tìm Chủ Hôn, mời khách… tuy nhiên vẫn chưa đủ đâu, bởi danh sách việc cần làm vẫn còn dài lắm. Nào cùng Dianthus tìm hiểu xem Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Vu Quy?
Nội Dung Bài Viết
Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Vu Quy?
Lưu ý, Nhà Gái trong bài viết này được chia ra làm 03 nhóm đối tượng bao gồm: Cô Dâu, Ba Mẹ của Cô Dâu, và những người họ hàng bên phía Cô Dâu. Sau đây sẽ là danh sách việc cần làm của toàn bộ Nhà Gái, hoặc bạn ở bên Đàng Trai đừng bỏ qua bài “Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ Tân Hôn?”.
Việc cần làm từ 3 - 4 tháng trước Lễ Vu Quy.
May hoặc thuê trang phục.
Đa số các trường hợp, việc chuẩn bị trang phục cho cả hai vợ chồng sẽ do studio chụp hình hoặc cửa hàng áo cưới phụ trách, vì thường đi chung theo gói chụp hình ngoại cảnh. Chỉ những cặp đôi muốn sở hữu trang phục đặc biệt hơn mới đặt chụp hình và trang phục cưới ở hai chỗ khác nhau. Nếu so với các anh vốn xuề xòa thì các nàng quan tâm đến trang phục nhiều hơn, cũng như có nhiều yêu cầu cụ thể. Vì vậy, Cô Dâu nên dành thời gian tham khảo về phong cách, chất lượng rồi chọn cửa hàng theo ý muốn. Phần lớn Chú Rể đều chiều theo ý Cô Dâu về khoản này.
Vấn đề còn lại là chuẩn bị phục trang cho Ba Mẹ, bao gồm cả Ba Mẹ bên Chồng và Anh Chị Em. Muốn làm nàng dâu đảm đang, bạn không thể bỏ qua cơ hội này để đẹp lòng nhà chồng, ngoại trừ trường hợp bên chồng muốn tự lo. Một số cặp đôi chọn may áo dài cho hai Mẹ, áo vest cho hai Ba ở cùng một cửa tiệm. Bạn hãy tưởng tượng, nếu trong buổi lễ phụ huynh hai bên cùng mặc trang phục đồng bộ về màu sắc, kiểu dáng, lại cùng đẹp như nhau, chắc chắn sẽ giúp tạo nên hình ảnh hài hòa, đồng thời thể hiện mối quan hệ sui gia tốt đẹp.
Chuẩn bị của hồi môn cho con gái.
Khi con gái cưng sắp về nhà chồng, Ba Mẹ hẳn là phải chuẩn bị quà tặng cho hai vợ chồng vừa để kỷ niệm, vừa làm vật phòng thân cho con về sau. Đối với gia đình giàu có, của hồi môn có thể là một số tiền mặt lớn, hay một tài sản có giá trị như một mảnh đất, một căn nhà… Tất nhiên không phải Ba Mẹ nào cũng có khả năng để tặng quà lớn như vậy, mà còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình. Nhưng dẫu gia cảnh ra sao, đa phần Ba Mẹ cũng ráng sắm sửa một bộ nữ trang cưới cho con gái làm của hồi môn.
Chọn mua Nhẫn Cưới.
Nói về vấn đề chọn mua Nhẫn Cưới, đây vốn dĩ là một khoản mà bên Nhà Trai phải chi, cụ thể là Chú Rể nhưng người được ưu tiên chọn lựa lại là Cô Dâu. Theo kinh nghiệm phổ biến, nếu chuẩn bị sớm thì từ 5 – 6 tháng hoặc trễ từ 2 – 3 tháng trước Lễ Vu Quy, Cô Dâu nên cùng chồng tìm hiểu về các thương hiệu vàng bạc nữ trang. Những thông tin cần tham khảo là kiểu dáng, chất liệu để qua đó xác định ngân sách Nhẫn Cưới, cũng như chọn thời điểm hay có đợt giảm giá trong năm. Nếu cô nàng nào độc lập, lại tự chủ về kinh tế thì có thể tình nguyện chia sẻ với chồng trong việc mua Nhẫn Cưới, không để anh một mình với áp lực chi phí cưới vợ.
Sửa chữa, tân trang nhà cửa.
Phần lớn nghi thức Lễ Cưới quan trọng đều diễn ra tại Nhà Gái, bạn hãy hình dung có rất nhiều người bên Nhà Trai, rồi khách khứa, bạn bè sẽ đến tham dự. Cho nên nhất định phải chuẩn bị nhà cửa tươm tất, trang trí chu đáo, cẩn thận. Tuy nhiên, dù bạn có đầu tư trang trí bao nhiêu nhưng khách đến nhà thấy đằng sau những cụm hoa tươi tắn là bức tường đã ố màu, mạng nhện giăng trần nhà, cánh cửa lệch bản lề,… thì đều để lại ấn tượng không tốt. Muốn làm tôn vẻ đẹp của những chi tiết trang trí trong Lễ Vu Quy thì ngôi nhà nhất định phải được tân trang, sửa chữa.
Việc cần làm từ 1 - 2 tháng trước Lễ Vu Quy.
Lên danh sách người tham dự.
Bên Nhà Gái thường áp lực hơn Nhà Trai trong khâu lên danh sách người tham dự Lễ Cưới, bởi áp lực đó còn đến từ chính Nhà Trai. Nhà Gái không chỉ có nhiệm vụ lên danh sách những người tham dự tại Nhà Gái, mà còn phải cung cấp cho Nhà Trai biết sớm số lượng người sẽ đi đưa dâu, để Nhà Trai lo phương tiện đưa đón. Nhất là đối với bậc phụ huynh và người cao tuổi bên Nhà Gái, chắc chắn không thể đón tiếp sơ sài. Ngoài ra, biết số lượng khách mời sớm để còn đặt tiệc trong trường hợp có tổ chức chiêu đãi.
Đặt Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên.
Bàn thờ gia tiên, bàn ghế hai họ ngồi, cổng hoa… là những công việc cần chuẩn bị cho Lễ Vu Quy nhưng thường bạn và gia đình không tự thực hiện được mà phải thuê dịch vụ ở bên ngoài. Đầu tiên, hãy tham khảo qua online, tìm hiểu sơ phong cách, chất lượng và yêu cầu tư vấn, sau đó đến trực tiếp cửa hàng trao đổi khi cảm thấy ưng ý là kinh nghiệm được nhiều Cô Dâu chia sẻ. Tiến hành đặt Trang Trí Gia Tiên sớm còn giúp cho ê-kip có thời gian đến khảo sát và đưa ra các phương án thi công hợp lý nhất. Nếu có thể bạn nên đặt luôn cho bên Nhà Trai hoặc giới thiệu để hai bên cùng đặt dịch vụ một chỗ sẽ đồng bộ, hài hòa hơn.
Xem thêm: Bảng giá dịch vụ Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên.
Tìm kiếm đơn vị quay phim, chụp hình.
Cô Dâu nên tìm hiểu trước rồi gợi ý cho Chú Rể những studio, hay ê-kip quay phim, chụp hình mà mình cảm thấy ưng ý về phong cách, cũng như chất lượng hình ảnh. Bởi về khoản này, các anh dường như không để tâm lắm đâu. Đối với Cô Dâu xem việc lưu giữ kỷ niệm là quan trọng, hãy sắp xếp làm sao để có người ghi hình ở cả Nhà Trai và Nhà Gái, nhưng cần hội ý với chồng, vì dẫu sao đây cũng là khoản phí mà bên chồng phải chi.
Thuê đội bưng quả nữ.
Nhờ được bạn thân, chị em trong nhà giúp hỗ trợ việc bưng quả trong Lễ Vu Quy là điều tuyệt vời, bạn chỉ cần chuẩn bị đồng phục bưng quả cho họ nữa là xong. Tuy nhiên, không phải ai cũng quen biết rộng, hoặc những người chúng ta muốn nhờ lại bận việc, hoặc tâm lý sợ làm phiền đến bạn bè. Cách giải quyết trong tình huống này là thuê đội bưng quả, đây có vẻ là lựa chọn hợp lý nhất và cũng nên thuê luôn bưng quả nam cho bên Nhà Trai. Nếu cả đội nam – đội nữ đều do một bên quản lý, cung cấp chắc chắn sẽ thuận tiện hơn.
Chọn người làm trang điểm.
Trang điểm và làm tóc cho Cô Dâu là một trong những khâu quan trọng hàng đầu, bởi Cô Dâu nhìn có thanh thoát, nhẹ nhàng, có giúp tôn lên vẻ đẹp nữ tính hay không là do người trang điểm quyết định. Tìm hiểu các chuyên gia trang điểm đang được yêu thích tại nơi bạn sinh sống, tham khảo lời khuyên từ những Cô Dâu đi trước, thậm chí trang điểm thử trước khi quyết định là việc nên làm nếu có thời gian. Cô Dâu có thể lo việc trang điểm luôn cho người nhà, bao gồm cả bên phía Nhà Chồng, như vậy mọi người có thể nhìn thấy được sự chu đáo, quan tâm của bạn đối với gia đình.
Tìm người làm Chủ Hôn.
Tìm người làm Chủ Hôn Nhà Gái vốn là quyết định của phụ huynh, bạn gần như không được can thiệp vào. Vị Chủ Hôn được chọn thường là mối quan hệ thân thiết của gia đình, có vai vế lớn được nhiều người tôn trọng, kính nể và đặc biệt là có năng khiếu ngoại giao, khả năng phát biểu. Việc Cô Dâu có thể làm là thông tin cho phụ huynh biết về vai vế của Chủ Hôn Nhà Trai như thế nào, tuổi tác ra sao để Ba Mẹ nhờ người làm Chủ Hôn Nhà Gái sao cho tương xứng. Cô Dâu cũng cần hỗ trợ việc gặp gỡ giữa hai vị Chủ Hôn để cùng bàn bạc, lên kịch bản chương trình Lễ Cưới và soạn lời phát biểu.
Xem thêm: Kinh nghiệm chọn người làm Chủ Hôn Cưới Hỏi.
Chuẩn bị quà cưới cho cặp đôi.
Ngày đi làm dâu nhà chồng là khoảnh khắc mà cả đời người con gái mới có một lần, nếu gia đình có ý định tặng quà cho con gái, cháu gái thì hiếm có dịp nào ý nghĩa hơn Ngày Cưới. Chắc chắn còn dựa trên tình cảm của người tặng với Cô Dâu trong thường ngày là thân thiết hay thân sơ, cũng như khả năng kinh tế hiện tại mà chọn lựa món quà cho phù hợp. Nhưng đã là người trong gia đình, dòng họ thì không thể nào đến dự Lễ Cưới với tay không.
Xem thêm: Gợi ý những món quà cưới thiết thực, ý nghĩa.
Việc cần làm từ 1 - 2 tuần trước Lễ Vu Quy.
Lau dọn bàn thờ Ông Bà.
Lau dọn bàn thờ Ông Bà được xem là việc mà tự tay người trong gia đình phải thực hiện để thể hiện lòng hiếu kính, sự trân trọng đối với tổ tiên. Việc lau dọn bàn thờ thường không liên quan đến công việc Trang Trí Gia Tiên, bởi bàn thờ gia tiên làm Lễ Cưới gọi là bàn thờ vọng thường bố trí tại phòng khách, tầng trệt. Còn bàn thờ Ông Bà là ở trên phòng thờ riêng, thuận tiện cho gia đình thờ cúng hàng ngày.
Viết kịch bản và lời phát biểu.
Ngoài vị Chủ Hôn chịu trách nhiệm chính để tiếp chuyện, đáp lời với bên Nhà Trai thì phía Nhà Gái cũng phải có người đại diện nói đôi câu. Người đảm nhận vai trò quan trọng này không ai khác là Ba của Cô Dâu, nhưng liệu rằng Ba có quen nói trước đông người hay không? Muốn giảm bớt nỗi âu lo, chắc chắn không thể bỏ qua khâu viết kịch bản và soạn lời phát biểu. Kinh nghiệm cho thấy rằng nên soạn bài diễn văn trước Lễ Vu Quy từ 1 – 2 tuần và đọc lại nhiều lần cho trôi chảy sẽ giúp hạn chế sai sót trong thực tế.
Xem thêm: Mẫu bài phát biểu trong Lễ Cưới.
Phong bì lì xì cho bưng quả.
Không có quy định cụ thể nào chỉ ra rằng việc chuẩn bị phong bì lì xì cho các bạn bưng quả là của Nhà Trai hay Nhà Gái. Tuy nhiên, phong tục trao lì xì chỉ cần thực hiện một lần mà thôi. Vì vậy, Cô Dâu và Chú Rể hãy thống nhất trước với nhau, bên nào chịu trách nhiệm chuẩn bị, nếu Chú Rể nhận nhiệm vụ này thì nhớ kiểm tra trước khi xuất phát. Tập tục trao phong bì cho người bưng quả là một cách cảm ơn vì sự hỗ trợ của họ giúp cho Lễ Cưới tiến hành thuận lợi, đồng thời giúp “giữ duyên” cho họ vì theo quan niệm của người xưa, đi bưng quả cho người khác còn gọi là “bán duyên”, nghĩa là bị “mất duyên”.
Dianthus mong rằng qua bài viết “Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Vu Quy?” sẽ phần nào giúp bạn cùng gia đình nắm được danh sách công việc cần làm, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho Lễ Vu Quy, nếu như bạn còn kinh nghiệm nào hay thì hãy chia sẻ cùng Dianthus và những Cô Dâu sắp cưới khác nhé.
Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài Trời và Trang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới – Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết này thuộc chủ đề Lễ Cưới hay còn gọi là Lễ Rước Dâu. Nếu bạn đang trong quá trình chuẩn bị cho buổi lễ này, có thể đọc thêm các bài viết cùng chủ đề sau đây:
Phần 1 – Lễ Cưới là gì? Quy trình tổ chức Lễ Cưới truyền thống chuẩn?
Phần 2 – Trình tự tổ chức Lễ Cưới gồm những gì?
Phần 3 – Nên hiểu Tân Hôn, Vu Quy, Thành Hôn thế nào cho đúng?
Phần 4 – Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ Tân Hôn?
Phần 5 – Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Vu Quy?
Phần 6 – Lễ Nạp Tài là gì? Chuẩn bị Lễ Nạp Tài bao nhiêu là đủ?
Phần 7 – Lễ Thượng Đăng là gì? Ý nghĩa của Lễ Thượng Đăng trong Đám Cưới xưa.
Phần 8 – Lễ Tơ Hồng là gì? Ý nghĩa thiêng liêng của Lễ Tơ Hồng?
Phần 9 – Phong tục trải giường cưới là gì? Ý nghĩa và cách thực hiện.
Phần 10 – Của hồi môn là gì? Của hồi môn gồm những gì?
Phần 11 – Mẫu bài văn khấn gia tiên ngày Cưới Hỏi.
Bonus – Kinh nghiệm lau dọn bàn thờ theo quan niệm tâm linh.