Vốn được xem là thủ tục cuối cùng giúp tạo nên một Đám Cưới trọn vẹn, Lễ Lại Mặt đóng vai trò quan trọng và không kém phần ý nghĩa bên cạnh các nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt. Bạn hãy cùng Dianthus tìm hiểu Lễ Lại Mặt là gì? Những lưu ý về Lễ Lại Mặt sau Đám Cưới qua bài viết sau đây.
Nội Dung Bài Viết
Lễ Lại Mặt là gì? Những lưu ý về Lễ Lại Mặt sau Đám Cưới.
Tìm hiểu nghi Lễ Lại Mặt theo truyền thống người Việt.
Tìm hiểu Lễ Lại Mặt là gì?
Lễ Lại Mặt còn có tên gọi khác là Lễ Nhị Hỷ hoặc Lễ Tứ Hỷ là dịp để Cô Dâu Chú Rể về thăm Nhà Gái sau Lễ Cưới chính thức từ hai đến bốn ngày. Trong Lễ Lại Mặt, cả hai sẽ có thời gian thong thả trò chuyện cùng Cha Mẹ, Ông Bà và đến thăm những người họ hàng bên Nhà Gái ở xung quanh. Nhằm chuẩn bị cho Lễ Lại Mặt, cặp đôi còn mang về một số lễ vật do mẹ chồng sửa soạn để biếu gia đình Cô Dâu, đây không chỉ là nghi thức xã giao mà còn là lời cảm ơn của Nhà Trai gửi đến Nhà Gái vì đã có công nuôi dạy cô gái và đồng ý gả làm dâu nhà mình.
Muốn chuẩn bị cho việc Kết Hôn được thuận lợi, tìm hiểu về phong tục tổ chức Cưới Hỏi là điều bạn cần lưu ý và đầu tư thời gian để thực hiện.
Lễ Lại Mặt có ý nghĩa gì?
Tại sao lại có Lễ Lại Mặt sau khi cưới? Theo văn hóa của người Việt, Lễ Lại Mặt mang nhiều ý nghĩa: (1) Cô Dâu khi mới về nhà chồng, cô thường cảm thấy bỡ ngỡ, buồn man mác khi phải xa Cha Mẹ, xa ngôi nhà thân thương thì Lễ Lại Mặt là dịp để cô gái gặp lại gia đình mình vơi bớt nỗi nhớ nhung. (2) Cha Mẹ có cơ hội hỏi han tình hình để kịp thời an ủi vỗ về, hoặc đóng góp ý kiến trong một số vấn đề nhằm giúp Cô Dâu có tâm lý thoải mái, ý thức về vai trò và trách nhiệm làm vợ, làm dâu của mình. (3) Chú Rể có thời gian gần gũi, thân thiết hơn với gia đình bên nhà vợ, nhờ đó tình thông gia giữa hai bên càng thêm gắn kết.
Ngoài ra, Lễ Lại Mặt trong Đám Cưới thời xưa, còn là lời thông báo của Nhà Trai về việc họ có hài lòng với nàng dâu mới hay không. Cụ thể, nếu Nhà Trai mang đến cái thủ lợn bị cắt lỗ tai nghĩa là ngầm báo rằng Nhà Trai trả lại, không nhận con dâu vì cô gái ấy đã mất trinh. Trường hoàn cảnh này, Nhà Gái hoặc là xin lỗi và đón con về hoặc muốn yên chuyện thì phải bí mật trả lại Nhà Trai một số của cải, lễ vật, thậm chí “đền bù” cho chàng rể bằng nhiều tài sản, đất đai khác.
Nguồn gốc của Lễ Lại Mặt?
Lễ Lại Mặt của người Việt dựa theo sách Thọ Mai Gia Lễ, đây là cuốn văn thư cổ dạy con người về cách thức tiến hành, ứng xử đúng lễ nghĩa đối với những việc liên quan đến quan, hôn, tang, tế. Tuy cuốn Thọ Mai Gia Lễ căn cứ theo Chu Công Lục Lễ của Trung Quốc thời xưa nhưng không áp dụng rập khuôn, mà được cải biên để phù hợp hơn với văn hóa người Việt. Ngoài ra, Thọ Mai Gia Lễ được ông Hồ Sĩ Tân biên soạn từ triều Lê tuy đến nay có nhiều điểm lỗi thời nhưng các tục lệ này đã ăn sâu, bén rễ nên ở nước ta vẫn còn phổ biến, đặc biệt là với người Miền Bắc.
Xã hội Việt Nam trong giai đoạn phong kiến chịu nhiều ảnh hưởng bởi nền văn hóa Trung Quốc, áp dụng “tam thư lục lễ” trong việc cử hành các nghi thức Hôn Lễ.
So sánh Lễ Lại Mặt và Lễ Phản Bái.
Tìm hiểu Lễ Phản Bái là gì?
Nếu như Lễ Lại Mặt được áp dụng nhiều trong Đám Cưới Miền Bắc thì tại Miền Nam, nhất là tục lệ Đám Cưới ở Miền Tây Nam Bộ thời xưa còn có nghi thức Lễ Phản Bái hay Lễ Dỡ Mâm Trầu có cách thực hiện gần giống như Lễ Lại Mặt.
Lễ Phản Bái là gì? Lễ Phản Bái diễn ra ở Nhà Gái sau ba ngày kể từ hôm đón dâu. Cặp đôi cùng với phụ huynh Nhà Trai trở về thăm gia đình cô gái, mang theo một khay rượu lễ, một mâm Trầu – Cau thường bỏ trong quả rồi phủ vải đỏ hoặc hồng bên trên, ngoài ra còn có thêm thêm một cặp vịt trống lớn. Sau khi hoàn thành nghi thức trước Bàn Thờ Gia Tiên, gia đình sẽ làm thịt vịt để nấu cháo rồi mời thêm những người bà con lân cận đến chung vui.
Lễ Phản Bái có ý nghĩa gì?
Đối với người Miền Tây thời nay, Lễ Phản Bái là dịp để sui gia gặp nhau sau thời gian bận rộn chuyện Cưới Hỏi, hai bên có cơ hội chia sẻ và bàn bạc tương lai cho đôi trẻ: khi nào ra riêng, chia ruộng vườn đất đai ra sao, tạo điều kiện cho cả hai xây dựng gia đình mới được thuận lợi nhất… giúp gắn kết tình cảm thông gia.
Ngoài ra, ý nghĩa Lễ Phản Bái thời xưa còn là lời thông báo ngầm của Nhà Trai đến Nhà Gái về sự trinh trắng của cô gái. Vào đêm động phòng, Mẹ Chồng bằng mọi cách có thể để xác định Cô Dâu còn trinh hay không. Nếu chẳng may cô gái đã mất trinh trong khi nhà chồng không muốn bỏ qua thì hôm Lễ Phản Bái sẽ mang theo mâm trầu héo, úa khô, hoặc con vịt lông xám, vịt tàu (màu lông trắng xám chen lẫn), hàm ý cô gái đã úa hôi, vằn vện không ra gì.
Những lưu ý về Lễ Lại Mặt sau Đám Cưới.
Khi nào tiến hành Lễ Lại Mặt?
Thời điểm tiến hành Lễ Lại Mặt theo phong tục xưa là từ 2 đến 4 ngày sau Lễ Cưới tùy theo điều kiện đường xá. Nếu hai gia đình ở gần nhau, Tổ Chức Đám Cưới xong dành một ngày cho Cô Dâu Chú Rể làm quen với nơi ở mới, rồi hôm sau cả hai sắp xếp về thăm Nhà Gái gọi là Lễ Nhị Hỷ. Trường hợp hai gia đình ở cách xa nhau, tỉnh này qua tỉnh nọ thì du di cho bốn ngày sau mới về thăm Nhà Gái gọi là Lễ Tứ Hỷ. Tuy nhiên phong tục Lễ Lại Mặt sau Đám Cưới ngày nay đã thoáng hơn xưa, nhiều cặp đôi còn lên kế hoạch đi du lịch trăng mật ngay sau Đám Cưới rồi mới về thăm gia đình. Một phần bởi vì tình cảm giữa cặp đôi và hai bên gia đình đã trở nên gần gũi hơn, họ có nhiều thời gian để gặp gỡ, trò chuyện trước khi Tổ Chức Đám Cưới nên phụ huynh không còn khắt khe như trước, chỉ cần về thăm gia đình sớm nhất có thể là được.
Lễ Lại Mặt cần chuẩn bị gì?
Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ Lại Mặt sau Ngày Cưới? Người Việt xưa tổ chức Lễ Lại Mặt khá cầu kỳ, bởi đây cũng là cơ hội để chàng rể gần gũi, lấy lòng họ Nhà Gái theo đó lễ vật do mẹ chồng tự tay chuẩn bị bắt buộc phải có Trầu Cau, Trà – Rượu, Xôi, Gà hoặc Heo quay để thắp nhang cho tổ tiên. Tuy nhiên, hiện nay các gia đình đã giản lược nhiều, bỏ bớt các thủ tục rườm rà mà chỉ cần những món quà nhỏ mang giá trị tinh thần như một giỏ trái cây, bánh kẹo, chai rượu… Đối với những cặp đôi có điều kiện kinh tế thì chuẩn bị thêm một phong bì nhỏ để thắp nhang trên Bàn Thờ Gia Tiên.
Trang phục Lễ Lại Mặt như thế nào?
Việc chuẩn bị trang phục cho Lễ Lại Mặt cũng không quá cầu kỳ, chỉ đơn giản là những bộ trang phục mà bạn mặc thường ngày khi đi ra đường, đi làm, hoặc gặp gỡ bạn bè… nên chọn trang phục sạch sẽ, thanh lịch là yếu tố hàng đầu. Ngoài những lúc nói chuyện, chào hỏi người lớn thì cả hai cũng nên xắn tay áo để phụ giúp Cha Mẹ, gia đình làm bếp hoặc những công việc trong nhà, lúc này có thể sẽ cần đến những bộ trang phục phù hợp thoải mái khi lao động. Đối với Cô Dâu, trở về nhà vào Lễ Lại Mặt cũng là dịp sửa soạn thêm quần áo, đồ dùng cá nhân, những đồ vật mà hôm làm Lễ Rước Dâu vì cập rập nên không kịp mang theo.
Cần chuẩn bị đồ dùng gì khi về nhà chồng? Ai soạn đồ và xách vali cho Cô Dâu? Dọn đồ về nhà chồng trước hay sau khi cưới?
Lễ Lại Mặt gồm có những ai?
Lễ Lại Mặt thời nay hiểu đơn giản là dịp để hai vợ chồng trẻ về thăm Cha Mẹ bên Nhà Gái nên đây là nghi thức diễn ra nội bộ trong gia đình, không cần thiết phải mời bạn bè hay bà con lối xóm. Thành phần về thăm gồm có Cô Dâu và Chú Rể, còn thành phần đón tiếp cũng chỉ cần Cha Mẹ, Ông Bà hoặc những người thân đang ở chung nhà. Sau khi trò chuyện thì mọi người sẽ cùng nhau làm mâm cơm, trước là để thắp nhang báo cáo tổ tiên, sau là cả gia đình cùng ăn uống và trò chuyện thân mật. Nếu ở gần đó còn bà con, họ hàng của Nhà Gái thì Cô Dâu Chú Rể nên thu xếp thời gian đến thăm cho phải đạo làm con cháu.
Chuẩn bị bữa cơm Lễ Lại Mặt như thế nào?
Nhằm chuẩn bị cho Lễ Lại Mặt, Cha Mẹ sẽ sửa soạn mâm cơm thân mật để mừng ngày con rể và con gái về thăm nhà, do đây là bữa gia đình không cần mời thêm khách nên trong nhà có gì ăn nấy. Hoặc tùy theo điều kiện thời gian mà Cha Mẹ vợ có thể mổ heo, mổ gà, bắt cá… hay chiêu đãi các con bằng những món ngon đặc sản của địa phương. Khi chuẩn bị bếp núc, chàng rể nên xung phong phụ giúp để tình cảm giữa các thành viên trong gia đình thêm gắn bó.
Đâu là những điều cần tránh trong Lễ Lại Mặt?
Lễ Lại Mặt không về một mình. Bắt buộc cả Cô Dâu và Chú Rể phải về cùng nhau, thể hiện sự tôn trọng với Cha Mẹ vợ. Nếu bận đột xuất hãy xin lỗi gia đình và xin lùi hẹn lại vài ngày để cả hai cùng về.
Lễ Lại Mặt không về khi chiều muộn. Cả hai nên về từ sáng sớm để có nhiều thời gian cùng Cha Mẹ, Ông Bà rồi còn cùng nhau làm cơm và đến thăm bà con xung quanh. Mình là con cháu chứ không phải khách để mà đến ăn xong bữa cơm rồi đi.
Lễ Lại Mặt không về tay không. Không quan trọng quà cáp ít hay nhiều, cầu kỳ hay đơn giản nhưng phải có tấm lòng, dẫu cho gia đình Nhà Gái có thoải mái đến đâu thì cũng cần hiểu những phép tắc trong ứng xử, phải biết những lễ nghi cần thiết trước người lớn và ông bà tổ tiên.
Sau khi tìm hiểu về Lễ Lại Mặt là gì? Những lưu ý về Lễ Lại Mặt sau Đám Cưới chúng ta có thể thấy đây là một phong tục đẹp và ý nghĩa, thể hiện sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Nếu cả hai có điều kiện về thời gian, đường xá không quá xa xôi thì nên duy trì, phát huy nét đẹp văn hóa này.
Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài Trời và Trang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới – Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.