Đối với những vấn đề liên quan đến thờ cúng, tâm linh thì đa phần giới trẻ là không để ý, nhưng theo Dianthus việc dọn dẹp bàn thờ không hề đơn giản, nhất là vào những dịp như ngày rằm, Lễ Tết, giỗ chạp… Đặc biệt là ngày tổ chức Cưới Hỏi, bàn thờ là nơi tôn nghiêm cho chúng ta thực hiện nghi lễ, nên việc lau dọn bàn thờ làm sao để không phạm tâm linh rất quan trọng. Dưới đây là những kinh nghiệm lau dọn bàn thờ theo quan niệm tâm linh mà ai cũng nên biết.
Nội Dung Bài Viết
Kinh nghiệm lau dọn bàn thờ theo quan niệm tâm linh.
Tìm hiểu về việc lau dọn bàn thờ gia tiên.
Công việc lau dọn bàn thờ là gì?
Lau dọn bàn thờ còn được gọi là bao sái bàn thờ theo cách gọi của nhà Phật. Đây là nhiệm vụ làm vệ sinh sạch sẽ không gian nơi thờ tự như bàn thờ Phật, bàn thờ Ông Bà tổ tiên,… được thực hiện với lòng thành kính, sự cẩn trọng cao nhằm tránh phạm phải những điều kiêng kị. Thông qua hành động bao sái bàn thờ một cách kính cẩn, gia đình thể hiện ước mong được bình an, mạnh khỏe, vạn sự hanh thông.
Vì sao nên lau dọn bàn thờ?
Theo văn hóa tín ngưỡng của người Việt, bàn thờ là không gian tôn nghiêm, linh thiêng trong mỗi gia đình. Chỉ cần nhìn vào cách bày trí, chăm sóc nơi thờ tự, người ngoài có thể đánh giá được tình cảm của con cháu trong nhà đối với Ông Bà tổ tiên, vì vậy việc lau dọn bàn thờ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bàn thờ gia tiên sạch sẽ, ấm cúng, thơm hương là cách để bày tỏ lòng thành kính, nhớ công ơn của người còn sống đối với người đã mất cũng như thế giới tâm linh.
Khi nào cần phải lau dọn bàn thờ?
Đâu là thời điểm lau dọn bàn thờ chuẩn nhất? Mỗi năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là mọi gia đình sẽ tiến hành việc lau dọn bàn thờ sau khi đưa Ông Công Ông Táo về trời. Ngoài ra, việc lau dọn bàn thờ còn được thực hiện vào các ngày rằm, ngày giỗ, hoặc trước ngày diễn ra sự kiện đặc biệt trong gia đình như Lễ Dạm Ngõ, Lễ Đính Hôn, Lễ Cưới, thôi nôi… Tuy nhiên, công việc này nên được thực hiện thường xuyên hơn, bất cứ khi nào thấy bàn thờ chưa được trang nghiêm, thanh tịnh thì gia đình bạn cần tiến hành lau dọn ngay. Lau dọn bàn thờ còn là một trong những công việc quan trọng cần làm nếu như bạn đang trong thời gian chuẩn bị Cưới Hỏi.
Trước khi lau dọn bàn thờ cần chuẩn bị gì?
Người thực hiện cần tắm rửa sạch sẽ.
Để chuẩn bị cho việc lau dọn bàn thờ Ông Bà, người thực hiện trực tiếp phải thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, bằng cách giữ cho thân thể được sạch sẽ, thơm tho. Tuyệt đối không đang làm dở một việc nào đó, chân tay còn lấm bẩn, mồ hôi ướt áo mà lại tiếp tục đi lau dọn bàn thờ. Do đó, ai được giao nhiệm vụ thì hãy tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo dài sau đó mới tiến hành bao sái bàn thờ, vốn được xem là công việc thiêng liêng.
Chuẩn bị dụng cụ, nước lau dọn bàn thờ.
Dụng cụ lau dọn bàn thờ rất đơn giản, chỉ gồm có thau nước, chổi quét và khăn lau, tuy nhiên phải là đồ chuyên dùng, hoặc là đồ mới. Không thể nào lấy thau vốn dùng rửa chén, giặt quần áo để chứa nước lau bàn thờ, cũng không dùng chổi lông gà thường để phủi bụi, hay khăn lau bàn mà mang đi lau bàn thờ. Tốt nhất là bạn hãy sắm riêng một bộ dụng cụ dành cho việc này, dùng xong có thể cất đi cho những lần tới.
Nước lau bàn thờ cần chuẩn bị gồm 02 loại. Đầu tiên, chúng ta sẽ lau sạch bụi bằng nước đun sôi để ấm, tuyệt đối không dùng nước lã lạnh lẽo. Kế đến là nấu nước thảo dược gồm hoa hồi, quế, gừng, đinh hương, bạch đàn… cho vào nồi đun sôi chờ nguội bớt rồi tiến hành lau lại một lượt. Nếu không kịp chuẩn bị thảo dược, có thể dùng rượu trắng pha với gừng hoặc tỏi, đây là những mùi hương có thể giúp xua đuổi tà khí, tẩy uế tạo nên không gian thanh tịnh. Nhưng phải lưu ý, nước pha rượu chỉ lau bàn thờ, bài vị Ông Bà, không dùng lau tượng Phật.
Thắp nhang thông báo tổ tiên.
Việc kính nhớ tổ tiên phải được thể hiện từ trong tâm cho đến hành động, tuyệt đối không làm cho có lệ. Vì thế, trước khi bao sái bàn thờ hãy mở các cửa trong phòng cho thông thoáng, chuẩn bị một đĩa trái cây, ít hoa tươi rồi thắp nhang khấn tổ tiên, thông báo cho Ông Bà biết ngày hôm nay sẽ tiến hành lau dọn bàn thờ. Lễ vật khấn tổ tiên cũng có thể là Trầu – Cau, rượu, thuốc, một ít lễ mặn hoặc không chuẩn bị kịp thì chỉ cần thành kính thắp nhang. Sau đó phải chờ cho nhang cháy hết mới bắt đầu công việc.
Các bước lau dọn bàn thờ đúng chuẩn.
Lau dọn từ trên cao xuống thấp.
Cần chuẩn bị một chiếc bàn cao, nếu có thể hãy đặt lên trên một khăn vải đỏ, hoặc giấy. Khoan thai, nhẹ nhàng hạ đồ thờ cúng xuống mặt bàn một cách ngay ngắn: bài vị, di ảnh, bình hoa, chén nước… Bạn nhớ đánh dấu các vị trí đồ thờ cúng trước khi hạ, để sau khi lau dọn còn đặt lại như cũ. Nếu trong gia đình có bàn thờ Phật, bạn hãy lau dọn bàn thờ Phật trước, hãy để riêng đồ thờ Phật tách biệt với những đồ thờ còn lại, không nên để lẫn lộn.
Trước lau tượng Phật, sau lau bài vị.
Nên chia nước lau dọn thành nhiều phần nhỏ, nếu có tượng Phật và bài vị tổ tiên thì hãy đổi thau nước khác, tuyệt đối không dùng chung để tránh việc bất kính. Dùng khăn vải mềm thấm nước ấm lau trước, rồi mới đến nước thảo dược, động tác từ từ chậm rãi tránh làm xước tượng Phật. Lau hết tượng Phật mới đến bài vị, di ảnh rồi mới chuyển sang thu dọn bát nhang. Lưu ý, khi lau tượng Phật không dùng bất kỳ loại nước nào có pha với rượu vì làm vậy là bất kính.
Tỉa chân nhang khoan thai nhẹ nhàng.
Đối với bát nhang, muốn lau dọn đúng cách phải làm từ từ, nhẹ nhàng. Rút từng phần ra khỏi bát nhang gọi là tỉa chân nhang, cho tới khi chân nhang còn khoảng 3, 5, 7, 9 (một con số lẻ bất kỳ) thì dừng lại, tuyệt đối không được cầm cả túm lôi ra. Nếu tro của bát nhang nếu đầy thì lại lấy một cái thìa nhỏ chậm rãi xúc từng thìa tro đổ ra chén đựng bên ngoài, khi tro đã vơi thì ngưng rồi vun lại, san cho bằng mặt mịn màng, như vậy là giúp tránh nguy cơ bị “tán tài”. Tiếp đến mới lau sạch bát nhang đặt sang một bên chờ khô. Phần chân nhang lấy ra nên hóa thành tro rồi kết hợp với phần tro dùng để bón cây, không đổ xuống ao, sông hồ gây ô nhiễm.
Lau dọn sạch sẽ bàn thờ với nước thơm.
Sau khi đã lau tượng Phật, bài vị, di ảnh, bát nhang và các đồ thờ cúng,… Bạn có thể dùng chổi để quét bụi trên bàn thờ, sau đó lấy khăn lau bàn thờ sạch sẽ với nước ấm, khi sạch bụi rồi lại tiếp tục lau thêm lần nữa với nước thảo dược nấu sẵn. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta cần chia nước lau dọn bàn thờ thành nhiều phần khác nhau.
Dùng lửa để khai quang, làm sạch bàn thờ.
Chuẩn bị một lò than hoặc chậu than nhỏ đặt dưới bàn thờ khoảng 10 – 15 phút để căn phòng thêm ấm áp, thơm tho. Lại cầm bảy tờ tiền vàng đốt lên hơ ở bốn hướng trên – dưới – trái – phải để làm dấu, hay gọi là dùng lửa để khai quang làm sạch. Nếu nhìn thấy tiền vàng đã cháy hết phân nửa thì bỏ phần còn lại vào chậu than. Kế đến đốt tiếp bảy tờ tiền vàng để làm sạch nơi đặt tượng Phật, và đốt ba tờ tiền vàng hơ tại nơi đặt bài vị và bát hương. Tro từ tiền vàng sẽ đổ lại vào bát nhang, khi đổ tro chỉ đổ một lần, làm vậy được gọi là “ra nhỏ vào lớn” (tro lúc ra phải múc, tro lúc vào thì đổ), ý nghĩa “tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ”.
Sắp đặt các đồ thờ cúng vào vị trí như cũ.
Sau khi hoàn thành công việc vệ sinh, lau dọn, sang sửa bát nhang, cũng như khai quang làm sạch, là lúc bắt đầu tiến hành sắp đặt các đồ thờ cúng yên vị trên bàn thờ như cũ. Cách sắp là đồ trên cao sắp trước, dưới thấp sắp sau, sắp bên trong trước bên ngoài sau. Việc đánh dấu các đồ thờ cúng ở bước đầu tiên rất quan trọng, giúp cho bát nhang nào ở đúng vị trí bát nhang ấy, không bị lẫn lộn. Việc sắp đặt đã xong, không đụng tay chân xê dịch thêm nữa.
Khấn báo Ông Bà việc lau dọn đã hoàn tất.
Nếu xong xuôi hết thì mỗi bát nhang đốt một lần 12 cây nhang, cắm theo thứ tự thời gian. Cắm đến đâu khấn đến đấy, nội dung khấn như sau: Que thứ nhất cắm ở vị trí 01h00, khi cắm thì đọc “Niên niên thị hảo niên“, tức mỗi năm đều là năm tốt. Que thứ hai cắm ở vị trí 02h00, khi cắm đọc “Nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt“, tức mỗi tháng đều là tháng tốt. Que thứ ba cắm ở vị trí 03h00, khi cắm đọc “Nhật nhật thị hảo nhật“, tức mỗi ngày đều là ngày tốt. Que thứ tư cắm ở vị trí 04h00, khi cắm đọc “Thời thời vị hảo thời“, tức mỗi giờ đều là giờ tốt.
Cứ lặp lại như trên cho đến khi cắm đủ 12 cây nhang thì thôi, làm xong thì thắp tiếp 03 nén nhang rồi vái lạy. Khi xong bàn thờ Phật thì sang đến bàn thờ Ông Bà, cũng làm lại như trên. Ở trên là cách làm truyền thống, có nhiều trình tự rườm rà mà bây giờ ít người nào theo được, thông thường sắp đặt xong người ta chỉ kiểm tra một lần nữa, rồi thắp nhang báo cáo Ông Bà công việc đã hoàn tất, đọc một bài khấn để cầu xin phù hộ độ trì cho gia đình mạnh khỏe bình an là kết thúc công việc lau dọn ban thờ.
Thông qua những kinh nghiệm lau dọn bàn thờ theo quan niệm tâm linh ở trên, nếu bạn thực hiện một cách nghiêm túc có lẽ sẽ cảm nhận được một cảm giác thiêng liêng khó tả, như có một sự kết nối tâm linh kỳ diệu và trong lòng bạn sẽ cảm thấy an yên tự tại.
Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài Trời và Trang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới – Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết này thuộc chủ đề Lễ Cưới hay còn gọi là Lễ Rước Dâu. Nếu bạn đang trong quá trình chuẩn bị cho buổi lễ này, có thể đọc thêm các bài viết cùng chủ đề sau đây:
Phần 1 – Lễ Cưới là gì? Quy trình tổ chức Lễ Cưới truyền thống chuẩn?
Phần 2 – Trình tự tổ chức Lễ Cưới gồm những gì?
Phần 3 – Nên hiểu Tân Hôn, Vu Quy, Thành Hôn thế nào cho đúng?
Phần 4 – Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ Tân Hôn?
Phần 5 – Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Vu Quy?
Phần 6 – Lễ Nạp Tài là gì? Chuẩn bị Lễ Nạp Tài bao nhiêu là đủ?
Phần 7 – Lễ Thượng Đăng là gì? Ý nghĩa của Lễ Thượng Đăng trong Đám Cưới xưa.
Phần 8 – Lễ Tơ Hồng là gì? Ý nghĩa thiêng liêng của Lễ Tơ Hồng?
Phần 9 – Phong tục trải giường cưới là gì? Ý nghĩa và cách thực hiện.
Phần 10 – Của hồi môn là gì? Của hồi môn gồm những gì?
Phần 11 – Mẫu bài văn khấn gia tiên ngày Cưới Hỏi.
Bonus – Kinh nghiệm lau dọn bàn thờ theo quan niệm tâm linh.