Chuẩn bị một dĩa trái cây chưng bàn thờ gia tiên ngày cưới là điều mà mỗi gia đình cần phải lưu ý. Sự xuất hiện của một đĩa trái cây đầy đủ, tươm tất kết hợp cùng hai bình hoa sẽ giúp cho không gian thờ cúng tổ tiên thêm trang trọng, uy nghiêm. Vậy đâu là các loại trái cây trưng bàn thờ ngày cưới và ý nghĩa sâu xa của chúng ra sao?
Nội Dung Bài Viết
- Các loại trái cây chưng bàn thờ ngày cưới và ý nghĩa sâu xa.
Các loại trái cây chưng bàn thờ ngày cưới và ý nghĩa sâu xa.
Ý nghĩa việc chưng trái cây bàn thờ ngày cưới là gì?
Việc chuẩn bị trái cây chưng bàn thờ ngày cưới có nguồn gốc từ phong tục chưng trái cây trên bàn thờ vào các ngày rằm, ngày Lễ Tết, giỗ… Trong ngày này, mỗi gia đình cần chuẩn bị một mâm trái cây ngũ quả cùng những lễ vật khác để thắp nhang dâng lên bàn thờ ông bà. Thế hệ con cháu làm việc này như một cách thể hiện sự hiếu kính đối với ông bà tổ tiên. Đây chính là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của người Việt.
Trái cây ngũ quả là gì?
“Ngũ” tức là năm. Ngũ quả là 5 loại trái cây khác nhau được bày biện đẹp mắt để kính dâng lên tổ tiên. Chọn số 5 (năm) là dựa trên quan niệm của người Phương Đông, tượng trưng cho ngũ hành trong vũ trụ, gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Theo thuật phong thủy, ngũ hành tương ứng với 5 màu sắc khác nhau là: Kim (kim loại): gồm màu sáng và những sắc ánh kim; Mộc (cây cỏ): màu xanh, màu lục; Thuỷ (nước): màu xanh biển sẫm, màu đen; Hỏa (lửa): màu đỏ, màu tím; Thổ (đất): màu nâu, vàng, cam.
Con số 5 cũng thể hiện ước muốn của người Việt mong đời sống đạt được “ngũ phúc lâm môn” bao gồm: “Trường Thọ”, “Phú Quý”, “Khang Ninh”, “Hảo Đức” và “Thiện Chung”. Ngoài ra, con số 5 còn thể hiện lịch sử tín ngưỡng lâu đời của dân tộc Việt. Ví dụ, theo đạo Phật thì có ngũ giới, tức 5 điều quy định của đạo Phật. Đối với Đạo Lão là ngũ hành. Còn Đạo Khổng là ngũ thường.
Vậy tại sao người Việt không chọn 5 loại yếu tố khác mà lại chọn hoa quả, trái cây? Lý giải cho điều này, một số chuyên gia phong thủy cho rằng người xưa quan niệm hoa quả thường có chùm, có múi, hoặc bên trong quả lại bao bọc nhiều hạt. Vì vậy, trái cây là hình ảnh biểu tượng mang nhiều ý nghĩa tốt. Thờ cúng tổ tiên với hoa quả là thể hiện mong ước: Trong công việc thì phát triển rực rỡ, sinh sôi nảy nở; Trong đời sống thì con cháu đủ đầy, hạnh phúc viên mãn.
Trái cây ngũ quả bao gồm những loại quả nào?
Nhìn chung người Việt có sự thống nhất khi cùng chọn 5 loại trái cây để thờ cúng ông bà. Nhưng ở mỗi miền, cách chọn trái cây lại khác nhau. Điều này thể hiện quan niệm tâm linh của người dân địa phương, qua đó tạo nên nét đặc trưng riêng cho từng miền.
Các loại trái cây ngũ quả của người Miền Bắc.
Trên bàn thờ ông bà của người miền Bắc thường có các loại quả phổ biến như: Chuối xanh, bưởi, phật thủ, hồng xiêm, đào, quýt/quất, trứng gà (trái lekima), đu đủ,… Người miền Bắc thường trình bày như sau: Nải chuối được đặt bên dưới cùng, quả bưởi đặt lên trên sao cho nải chuối ôm trọn quả bưởi. Những loại quả còn lại thì sắp xếp xen kẽ sao cho hài hòa về bố cục và màu sắc.
Các loại trái cây ngũ quả của người Miền Trung.
Trên bàn thờ ông bà của người miền Trung thường là những loại quả có sẵn tại địa phương. Bởi người miền Trung vốn “trọng lễ nghi khinh vật chất” nên không cầu kỳ như nhiều miền khác. Các loại trái cây thường thấy trên bàn thờ của người miền Trung là: Thanh Long, chuối, mãng cầu, xoài, dưa hấu, thơm (dứa), dừa, cam, quýt, sung, đu đủ… và một số loại quả khác tùy theo từng gia đình. Cách trình bày trái cây ngũ quả của người miền Trung cũng không cầu kỳ, chủ yếu theo lệ “có gì cúng nấy”. Người miền Trung quan trọng về sự thành tâm đối với tổ tiên nên cách bày trí tùy theo thẩm mỹ của mỗi người.
Các loại trái cây ngũ quả của người Miền Nam.
So với miền Bắc và miền Trung, trên bàn thờ ông bà của người miền Nam khá cầu kỳ và kén chọn. Các loại trái cây xuất hiện trên bàn thờ dân miền Nam phải có tên hay, ý nghĩa tốt, bao gồm cả cách đọc lái. Vì vậy có nhiều loại trái cây người miền Bắc và miền Trung ưa chuộng nhưng dân miền Nam lại cấm kỵ. Ví dụ: Chuối đọc thoáng nghe giống “chúi” trong nghĩa “chúi nhủi”, tức là làm ăn không khá lên được. Trái Lê thì mang nghĩa là lê lết, bèo nhèo, khổ sở. Cam, quýt cũng kiêng kỵ để tránh tai bay vạ gió bởi có câu “Quýt làm Cam chịu”. Do vậy mà trái cây ngũ quả của người miền Nam thường có tên gọi lạ lạ, hay hay như “cầu sung vừa đủ xài”, nghĩa là: Mãng cầu, sung, dừa (vừa), xoài (xài).
Trái cây ngũ quả ngày cưới có khác với trái cây ngũ quả thờ cúng thường ngày?
Đối với việc chưng trái cây trên bàn thờ ông bà vào ngày cưới và ngày thường là không có sự khác nhau. Đặc biệt là đối với người dân miền Trung, thường ngày thờ cúng ông bà với những loại trái cây nào thì ngày cưới cũng như vậy mà làm. Ngoài ra, còn tùy theo từng gia đình mà ngày cưới có thể chọn những loại trái cây đặc biệt hơn (có thể hiểu là mắc tiền hơn) để thờ cúng ông bà. Bởi vì hôm đó còn có sự tham dự của bà con hai họ nên sửa soạn một ít trái cây đắt tiền cũng khá hợp lý. Tuy nhiên điều này là không bắt buộc.
Trái cây ngũ quả trên bàn thờ ông bà và mâm ngũ quả có gì khác nhau?
Giải thích thuật ngữ mâm ngũ quả theo người miền Nam.
Đối với người miền Nam, cần phân biệt được mâm ngũ quả và dĩa trái cây ngũ quả. Dĩa trái cây ngũ quả tức là một cái dĩa trong đó bày biện 5 loại trái cây, dĩa này được chuẩn bị để chưng trên bàn thờ ông bà. Còn mâm ngũ quả phải được hiểu là mâm quả trái cây là một trong các món sính lễ Cưới Hỏi. Mâm quả trái cây sẽ do nhà trai mang đến trao tặng cho nhà gái hôm tổ chức đám cưới, đám hỏi.
Giải thích thuật ngữ mâm ngũ quả theo người miền Bắc.
Đối với người miền Bắc, cần phân biệt được mâm ngũ quả và tráp hoa quả. Người miền Bắc gọi mâm ngũ quả thì có nghĩa là dĩa trái cây trên bàn thờ ông bà theo người miền Nam. Còn người miền Bắc gọi tráp hoa quả thì đó mới là sính lễ trong bộ tráp cưới hỏi mà nhà trai mang sang nhà gái.
Vậy thắc mắc của chúng ta tại đây nên là: Trái cây chưng bàn thờ ông bà và trái cây để làm sính lễ cưới hỏi thì có gì khác nhau? Thực tế là sẽ khác nhau khá nhiều. Bởi vì một bên là chuẩn bị trái cây để thờ cúng ông bà tổ tiên nhà mình, xem như là nội bộ trong gia đình; Và một bên là chuẩn bị trái cây để làm sính lễ, tức là quà tặng cho nhà gái. Mà đã là quà tặng thì luôn cần phải chu đáo, chỉn chu, chất lượng hơn, hay nôm na là đắt tiền hơn.
Các loại trái cây dùng làm sính lễ cưới.
Trong mâm ngũ quả sính lễ cưới của người miền Nam thường sử dụng các loại quả sau: Thanh Long, Nho Mỹ, Táo Mỹ, Xoài, Mãng Cầu (tức quả Na). Một số gia đình còn chọn thêm các loại trái cây nhập khẩu như: Cherry, Kiwi…
Trong tráp hoa quả sính lễ cưới của người miền Bắc thường sử dụng các loại quả sau: Thanh Long, Nho Mỹ, Bưởi, Táo Mỹ, Cam, Xoài, Na (trái Mãng Cầu),… Hoặc nhiều gia đình còn chọn thêm Lê, Quýt…
Như vậy, có thể thấy so với các loại trái cây thờ cúng ông bà thường ngày có cả chuối, đu đủ, dừa, sung,… thì trái cây để chọn làm sính lễ ngày cưới có phần chất lượng và đắt tiền hơn.
Trái cây ngũ quả trên bàn thờ ông bà vào ngày cưới do ai chuẩn bị?
Nếu ngày thường trong gia đình ai lo việc thờ cúng ông bà sẽ người chuẩn bị trái cây ngũ quả ngày cưới. Bình thường người đảm nhận công việc là mẹ Cô Dâu (bên nhà gái), hoặc mẹ Chú Rể (bên nhà trai).
Có nên nhờ dịch vụ cung cấp trái cây ngũ quả thờ cúng ông bà hay không?
Nếu như gia đình đã đặt dịch vụ trang trí gia tiên chuyên nghiệp để lo các việc như: cổng hoa, bàn ghế hai họ, phông màn, bàn thờ gia tiên… thì có thể nhờ trang trí trái cây cho bàn thờ ông bà luôn. Vừa thuận tiện cho người trong nhà, không phải bận tâm lo những việc lặt vặt mà mọi thứ vẫn được chuẩn bị chu đáo đâu vào đấy.
Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài Trời và Trang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới – Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.