Lễ Dạm Ngõ còn được biết đến với tên gọi là Lễ Thăm Nhà Gái bởi vì tất cả hoạt động quan trọng đều diễn ra tại đây, như vậy để tạo ấn tượng tốt đẹp với họ Nhà Trai thì quá trình chuẩn bị tại Nhà Gái cần phải chu đáo, tươm tất. Bài viết “Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Dạm Ngõ được chu toàn?” sẽ chỉ cho bạn một vài bí quyết.
Nội Dung Bài Viết
Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Dạm Ngõ được chu toàn?
Chuẩn bị của gia đình Nhà Gái cho Lễ Dạm Ngõ.
Lên danh sách người tham dự.
Kể từ khi Nhà Trai đánh tiếng sẽ qua thăm và bàn việc cưới xin, Nhà Gái nên bắt đầu lên tiếng mời các ông các bà, cô dì cậu mợ trong họ để mọi người cùng biết và chuẩn bị. Nhà Gái nên căn cứ theo thành phần Nhà Trai sẽ tham dự mà chọn người bằng vai phải lứa để tiếp đón, chuẩn bị chỗ ngồi đầy đủ, cũng như cử ra người làm đại diện chào hỏi, đối đáp với Nhà Trai, nếu có thời gian để chuẩn bị kịch bản Lễ Dạm Ngõ cũng là điều nên làm.
Sắm sửa trang phục, quần áo.
Thông qua con gái và chàng rể tương lai, bên Nhà Gái cũng cần nắm được thông tin về trang phục mà Nhà Trai sẽ sử dụng khi qua làm Lễ Dạm Ngõ. Bình thường, Lễ Dạm Ngõ không đòi hỏi khắt khe về cách ăn mặc, chỉ cần lịch sự, tươm tất là được, tuy nhiên nếu Đàng Trai mặc lễ phục (nam mặc vest, nữ mặc áo dài) thì bên Đàng Gái cũng biết ý mà chuẩn bị cho phù hợp.
Sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa.
Quá trình chuẩn bị đón tiếp Nhà Trai đến thăm là dịp để bên Nhà Gái tân trang, dọn dẹp lại nhà cửa nếu đã lâu chưa làm, thường là những sửa chữa nhỏ: Dặm vá những vết nứt, lỗ đinh, quét sơn cho bức tường ố, thay mới bộ bóng đèn cho sáng hơn,… Và thu dọn những đồ vật ít dùng để căn nhà thêm thoáng đãng, sạch sẽ hơn.
Công tác tư tưởng với bà con lối xóm.
Trong gia đình có việc quan trọng hay tiệc tùng kiểu gì cũng làm ảnh hưởng đến bà con chòm xóm, đặc biệt nếu sinh sống ở các khu vực thành thị, nào là thiếu chỗ gửi xe, chỗ đặt bàn ghế ngồi ăn uống, hoặc nhẹ nhàng là gây tiếng ồn cho những nhà xung quanh. Nhà Gái cần cử người đến thăm hỏi và thông báo cho hàng xóm biết về sự kiện sắp diễn ra để mong họ hỗ trợ và bỏ qua nếu gây ra sự phiền hà.
Trang trí, hoa tươi nhẹ nhàng.
Trước ngày diễn ra Lễ Dạm Ngõ, Nhà Gái cần lau dọn bàn thờ gia tiên, cắm thêm vài bình hoa tươi cả ở trên bàn thờ lẫn bàn tiếp khách, sắm sửa một ít trái cây trưng bàn thờ sẽ làm tăng thêm sự tươm tất. Bố trí khu vực bàn và ghế ngồi, chuẩn bị khăn trải bàn, bình trà ấm chén, nước uống cho hai họ khi tham dự buổi lễ, kèm theo một ít hoa tươi cho sinh động. Việc trang trí cho Lễ Dạm Ngõ tương đối đơn giản, người nhà có thể tự phân công nhau mỗi người một việc, vừa vui vừa gắn kết tình thân mà còn giúp cho không gian thêm đẹp mắt.
Làm cơm thiết đãi Nhà Trai.
Căn cứ trên số lượng người tham dự, Nhà Gái chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ thân mật để thiết đãi mọi người sau buổi lễ. Nếu Nhà Trai từ nơi xa đến nên chọn các món là đặc sản tại địa phương, nếu hai gia đình ở cùng địa phương thì có thể thăm dò sở thích ẩm thực của các ông bà bên Đàng Trai để chuẩn bị món cho vừa khẩu vị. Trong không khí vui vẻ của một bữa tiệc ngon miệng, mọi người sẽ nói ra được nhiều tâm tư, tình cảm từ đó mà hai nhà sẽ gần gũi, phần nào hiểu nhau hơn.
Chuẩn bị của Cô Dâu cho Lễ Dạm Ngõ.
Cầu nối thông tin giữa hai nhà.
Để chuẩn bị cho buổi Lễ Dạm Ngõ diễn ra suôn sẻ, cặp đôi đóng vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối thông tin giữa hai nhà, đặc biệt là với Cô Dâu bởi vì Nhà Trai sẽ cần thăm dò ý của Cha Mẹ bên Đàng Gái như thế nào, mà hỏi qua Cô Dâu là dễ dàng nhất. Nên lưu ý rằng, việc trao đổi với người lớn cần sự khéo léo, mềm mỏng, đôi khi người lớn cũng gặp lúng túng và thay đổi ý kiến nhiều lần, là con cháu mình phải hiểu tâm lý. Trong mọi hoàn cảnh, Cô Dâu cần giữ tinh thần thoải mái, truyền đạt thông tin đầy đủ, rõ ràng như vậy sẽ giúp tạo sự thuận lợi, suôn sẻ cho đôi bên.
Lựa chọn trang phục phù hợp.
Lễ Dạm Ngõ là buổi gặp mặt thân mật giữa nội bộ hai bên cho đôi trẻ ra mắt gia đình, tuy phong tục không quy định cụ thể về việc ăn mặc của Cô Dâu nhưng cũng cần lựa chọn những bộ đồ thanh lịch, tươm tất. Cô Dâu có thể lựa chọn các kiểu phục trang như: váy đầm, đồ công sở, áo dài truyền thống, áo dài cách tân… chủ yếu là sạch sẽ, gọn gàng để ghi điểm trong con mắt họ Nhà Trai. Trường hợp, bên Nhà Trai và Chú Rể mặc lễ phục nghiêm túc như: Ba và Chú Rể mặc đồ vest; Mẹ Chú Rể mặc áo dài thì phía bên Cô Dâu cũng cần chuẩn bị tương ứng.
Trang điểm, làm tóc nhẹ nhàng.
Là con gái phải đẹp trong mọi hoàn cảnh, vào ngày đặc biệt càng phải đẹp hơn, chính vì vậy Cô Dâu cần tham khảo một vài kiểu làm tóc, phong cách trang điểm theo lối tự nhiên. Nếu Cô Dâu có thể tự trang điểm và làm tóc là điều rất tốt, trường hợp không biết có thể thuê thợ, tuy nhiên trong Lễ Dạm Ngõ đừng trang điểm đậm, hay ấn tượng quá sẽ không cần thiết. Nếu quyết định thuê thợ, trước đó hãy dành thời gian tìm hiểu một số cửa tiệm trang điểm hoặc những make-up artist tự do để chọn được nơi phù hợp.
Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên.
Ấn tượng của buổi đầu gặp gỡ rất quan trọng, để tránh việc bị góp ý, xì xào bàn tán về sau hãy áp dụng tuyệt chiêu “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Khi mới ra mắt Nhà Trai thì lễ phép chào hỏi rõ ràng, giọng vừa đủ nghe chứ đừng nói lí nhí, chào hỏi xong thì luôn giữ nét mặt vui tươi, hay cười… Đặc biệt là đối với những Cô Dâu bình thường khi không cười người khác nhìn vào sẽ tưởng như đang khó chịu, đang quạu thì càng phải cười thường xuyên hơn.
Đặt quay phim, chụp ảnh.
Thường trong Lễ Dạm Ngõ ít người đặt quay phim, chụp ảnh vì xem đây là buổi gặp gỡ riêng tư của hai nhà, số lượng người tham dự ít và các nghi lễ diễn ra cũng ngắn. Nhưng nếu bạn là người quan trọng kỉ niệm thì ghi lại hình ảnh ấy bằng việc chụp hình, hoặc quay phim hoặc cả hai là điều nên làm, trước đó nhớ hội ý với Chú Rể cũng như thông báo cho Nhà Trai không khỏi bất ngờ, bỡ ngỡ. Phong cách quay phim, chụp ảnh kiểu phóng sự bắt những khoảnh khắc tự nhiên là một gợi ý hợp lý dành cho những buổi Lễ Dạm Ngõ thân tình.
Qua bài viết “Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Dạm Ngõ được chu toàn?” Dianthus đã liệt kê những công đoạn cần thiết để Nhà Gái áp dụng giúp cho hai bên có được “buổi gặp mặt ban đầu” êm đẹp, thuận lợi và những kế hoạch Đám Cưới sau đó cũng thuận buồm xuôi gió. Xem thêm: Bí quyết giúp chuẩn bị bài phát biểu Lễ Dạm Ngõ ý nghĩa.
Nội dung bài viết được thực hiện bởi Dianthus Wedding Decor là đơn vị chuyên sản xuất, thi công và cung cấp các dịch vụ Trang Trí Cưới Hỏi bao gồm: Trang Trí Nhà Lễ Gia Tiên, Trang Trí Tiệc Cưới Nhà Hàng, Trang Trí Tiệc Cưới Ngoài Trời và Trang Trí Tiệc Cưới Phương Xa… Dianthus có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu liên quan đến Trang Trí Tiệc Cưới – Sự Kiện, để được tư vấn trực tiếp, bạn vui lòng gọi Hotline 0917 489 600 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết này thuộc chủ đề Lễ Dạm Ngõ. Nếu bạn đang trong quá trình chuẩn bị cho buổi lễ này, có thể đọc thêm các bài viết cùng chủ đề sau đây:
Phần 1 – Tìm hiểu Lễ Dạm Ngõ là gì? Những việc cần chuẩn bị cho Lễ Dạm Ngõ?
Phần 2 – Chuẩn bị lễ vật Dạm Ngõ theo phong tục của 3 miền.
Phần 3 – Trình tự tổ chức Lễ Dạm Ngõ sao cho đúng chuẩn?.
Phần 4 – Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ Dạm Ngõ được chu toàn?
Phần 5 – Bí quyết giúp chuẩn bị bài phát biểu Lễ Dạm Ngõ ý nghĩa.
Phần 6 – Nghi lễ Cưới Hỏi truyền thống của người Việt thời phong kiến.
Phần 7 – Những lễ nghi Cưới Hỏi chuẩn dành cho người Việt hiện đại.
Phần 8 – Mẫu bài phát biểu trong Lễ Dạm Ngõ.